Thứ ba - 30/06/2015 18:01
Giảng dạy học phần tư tưởng hồ chí minh theo hướngtiếp cận năng lực người học ở trường cao đẳng vĩnh phúc
Nghị quyết số 29, Hội nghị lần thứ 8 BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế có ý nghĩa vô cùng to lớn, đã thổi một luồng gió mới vào đời sống chính trị - xã hội của nước ta hiện nay.
Nghị quyết nhấn mạnh: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục, đào tạo theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học” {1,tr.27}.
Trong sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo ở nước ta hiện nay, việc đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tiếp cận năng lực là một trong những nội dung cơ bản. Ở trường Cao đẳng Vĩnh Phúc, vấn đề đổi mới phương pháp dạy học các môn Lý luận chính trị nói chung, học phần Tư tưởng Hồ Chí Minh nói riêng theo hướng tiếp cận năng lực đang là mối quan tâm chung của nhà trường.
I. Đặt vấn đề
Đổi mới phương pháp giảng dạy và đánh giá các học phần Lý luận chính trị theo hướng thiết thực, hiệu quả, phát triển năng lực của người học, phù hợp với chương trình đào tạo được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của trường Cao đẳng Vĩnh Phúc. Hiện nay, khi nội dung chương trình các môn Lý luận chính trị có sự rút gọn và giảm tải, vấn đề đổi mới phương pháp dạy học các môn Lý luận chính trị, trong đó có học phần tư tưởng Hồ Chí Minh là cần thiết. Điều đó đang đặt ra trước mỗi giảng viên một trách nhiệm lớn lao là cần phải đổi mới căn bản, toàn diện để đạt được hiệu quả cao trong công việc giảng dạy của mình.
Thực trạng công tác giảng dạy các môn Lý luận chính trị của trường trong những năm qua đã đạt được những kết quả nhất định, sinh viên đi học tương đối đầy đủ. Số sinh viên vắng học giảm hẳn so với trước. Ý thức học tập của sinh viên, khả năng tự học, tự nghiên cứu có chuyển biến, phần lớn sinh viên có ý thức chuẩn bị bài trước khi đến lớp.
Tất cả các học phần đều đã xây dựng đề cương chi tiết. Nội dung giảng dạy đã có định hướng vào những vấn đề trọng tâm để sinh viên dễ tiếp cận. Hình thức thảo luận nhóm được tăng cường trong giảng dạy nhằm phát huy tính độc lập, sáng tạo cũng như rèn luyện kỹ năng làm việc tập thể của sinh viên. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khác nhau chi phối mà chất lượng giảng dạy và học tập học phần Tư tưởng Hồ Chí Minh chưa cao.
Điều này có thể do một số nguyên nhân sau:
Thứ nhất, về phía người học: Một bộ phận sinh viên chưa nhận thức đúng vai trò, tầm quan trọng của môn học, đặc biệt là việc vận dụng kiến thức học phần vào giải quyết các vấn đề của thực tiễn cuộc sống. Vẫn còn một số sinh viên không chuẩn bị bài, hoặc chuẩn bị bài một cách đối phó, sơ sài. Một số sinh viên đặt nặng vấn đề điểm số nên chỉ xem thảo luận nhóm và thuyết trình là một phần bắt buộc để có điểm phục vụ cho học phần mà thôi chứ hiểu hết ý nghĩa về rèn luyện kỹ năng diễn đạt, trình bày vấn đề, kỹ năng hợp tác với bạn.
Không ít sinh viên còn chưa thấy vai trò, mối liên hệ giữa các môn Lý luận chính trị nói chung, học phần tư tưởng Hồ Chí Minh nói riêng với các học phần chuyên ngành, coi học phần Tư tưởng Hồ Chí Minh là học phần bắt buộc khô khan, không liên quan tới chuyên môn sau này dẫn tới động cơ học tập không cao, thái độ học tập chưa đúng đắn, học để đối phó với kiểm tra, thi cử...
Thứ hai, về phía người dạy: Trong giảng dạy, một số giảng viên chỉ chú trọng truyền đạt đúng quan điểm, tinh thần giáo trình đề cập, chưa mạnh dạn đưa ra những quan điểm trái chiều, để kích thích sinh viên thảo luận và định hướng cho sinh viên.
Thứ ba, về công tác tổ chức giảng dạy: Trong những năm qua việc giảng dạy học phần Tư tưởng Hồ Chí Minh đã được đổi mới, tuy nhiên, việc vận dụng linh hoạt các phương pháp nhằm phát huy tính tích cực của sinh viên còn hạn chế. Do học ghép lớp với số lượng quá đông sinh viên, dẫn tới hạn chế trong hoạt động thảo luận nhóm, giảng viên không quan tâm được hết việc học của từng cá nhân trong lớp và không thể đảm bảo cho tất cả sinh viên đều có cơ hội phát biểu thảo luận. Vấn đề tương tác thầy và trò bị hạn chế.
Xuất phát từ thực trạng công tác giảng dạy học phần tư tưởng Hồ Chí Minh cũng như yêu cầu của chương trình đào tạo, việc đổi mới phương pháp giảng dạy và đánh giá nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả giảng dạy và học tập của sinh viên, phát triển năng lực của người học ở các môn Lý luận chính trị nói chung và học phần Tư tưởng Hồ Chí Minh nói riêng là vấn đề cấp thiết đối với trường Cao đẳng Vĩnh Phúc hiện nay.
II. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
Thực hiện chủ trương của Nhà trường và sự chỉ đạo của tổ chuyên môn về việc đổi mới phương pháp giảng dạy các môn Lý luận chính trị theo hướng thiết thực, hiệu quả, phát triển năng lực người học, phù hợp với chương trình đào tạo. Chúng tôi đã và đang triển khai áp dụng việc đổi mới phương pháp giảng dạy học phần Tư tưởng Hồ Chí Minh trong năm học 2014 -2015 và những năm tiếp theo.
VỀ ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP GIẢNG DẠY
Trong giảng dạy học phần Tư tưởng Hồ Chí Minh cho các lớp cao đẳng, chúng tôi đã áp dụng linh hoạt nhiều phương pháp như: Phương pháp thảo luận nhóm; phương pháp nêu vấn đề kết hợp với đàm thoại và giảng giải, phương pháp tự học của SV có sự hướng dẫn của GV
1. Phương pháp thảo luận nhóm
“Thảo luận nhóm là phương pháp trong đó nhóm lớn (lớp học) được chia thành những nhóm nhỏ để tất cả các thành viên trong lớp đều được làm việc và thảo luận về một chủ đề cụ thể và đưa ra ý kiến chung của nhóm mình về vấn đề đó” (4)
Phương pháp thảo luận nhóm có nhiều ưu điểm như: tạo cơ hội tối đa cho mọi thành viên trong nhóm được bộc lộ sự hiểu biết của mình, giúp sinh viên phát triển khả năng tư duy và diễn đạt; Tạo cơ hội cho mọi thành viên trong nhóm học hỏi lẫn nhau, tập lắng nghe ý kiến của người khác một cách kiên nhẫn, lịch sự, tập đánh giá ý kiến người khác một cách độc lập; Giảm bớt tính chủ quan, phiến diện, tăng tính khách quan khoa học trong kiến thức của sinh viên; Hình thành thói quen tương tác trong học tập, tăng năng lực hợp tác và không khí hiểu biết, đoàn kết, tin cậy lẫn nhau; Kích thích thi đua giữa các thành viên trong nhóm; Cải thiện mối quan hệ giữa giảng viên với sinh viên, giữa sinh viên với nhau, giảng viên có thông tin phản hồi từ sinh viên để điều chỉnh việc dạy của thầy, việc học của trò đồng thời tạo cho giờ học trở nên sinh động, hấp dẫn hơn...
Để thực hiện phương pháp này, tùy theo số lượng sinh viên từng lớp, tôi chia lớp thành các nhóm từ 8 -10 sinh viên và cử nhóm trưởng. Việc chia nhóm được thực hiện ngay trong buổi học đầu tiên. Các nhóm và thành viên được bố trí chỗ ngồi cố định trong suốt quá trình học để giảng viên có thể theo dõi đánh giá được sự chuyên cần và những đóng góp của thành viên.
- Tương ứng các nội dung trọng tâm của học phần tôi xây dựng các câu hỏi thảo luận, yêu cầu và định hướng tất cả các nhóm nghiên cứu, vận dung kiến thức để thảo luận trước lớp (các câu hỏi này được giao cho các nhóm chuẩn bị trước).
VD: Vận dụng các nguyên tắc xây dựng đạo đức mới theo quan điểm của Hồ Chí Minh vào trong quá học tập và rèn luyện của sinh viên.
- Trước các buổi thảo luận, nhóm trưởng các nhóm đều phải gửi bài chuẩn bị và báo cáo sự tham gia đóng góp của các thành viên trong nhóm cho giảng viên. Giảng viên nhận xét, dự kiến cho khối lượng điểm theo nội dung chuẩn bị của nhóm.
- Trong các buổi thảo luận trên lớp, trước tiên giảng viên sẽ kiểm tra ngẫu nhiên sự tham gia thảo luận của thành viên các nhóm (nếu nhóm trưởng báo cáo không đúng sẽ trừ điểm của nhóm trưởng và cả nhóm).
- Giảng viên bố trí nhóm thuyết trình, các nhóm khác sẽ tham gia phản biện, đặt câu hỏi cho nhóm được thuyết trình giải đáp. Căn cứ vào hoạt động cụ thể của các nhóm giảng viên sẽ ghi nhận cộng điểm, giữ nguyên hoặc hạ điểm nhóm và thông báo trước lớp khối lượng điểm các nhóm đạt được trong các buổi thảo luận.
- Căn cứ khối lượng điểm của nhóm trong các buổi thảo luận, nhóm trưởng sẽ chịu trách nhiệm phân phối khối lượng điểm cho các thành viên tùy theo mức độ tham gia, đảm bảo sự công bằng (người đóng góp nhiều điểm cao, người đóng góp ít điểm thấp) giảng viên sẽ theo dõi, giám sát và xử lý các trường hợp phân phối không đúng bằng việc hạ điểm nhóm trưởng và cả nhóm và đồng thời hạn chế tối đa việc cho điểm bình quân như nhau của các thành viên nhóm.
Trong quá trình sinh viên thảo luận, đối với những vấn đề khó, tôi luôn có sự gợi ý, định hướng để sinh viên giải quyết đúng và trúng vấn đề thảo luận, đảm bảo đủ thời lượng chương trình và giải quyết được vấn đề cần thảo luận. Trong thảo luận tôi luôn tôn trọng các ý kiến của sinh viên, khuyến khích sinh viên phát biểu tốt bằng những lời khen, tạo cho sinh viên tự tin khi phát biểu ý kiến của mình. Kết thúc mỗi vấn đề thảo luận, giảng viên cần tổng kết một cách ngắn gọn nội dung vấn đề thảo luận, đánh giá những ý kiến đúng, sai và giải quyết mọi thắc mắc của sinh viên xung quanh những vấn đề đó.
Đối với các câu hỏi trên, nội dung câu hỏi 1 đòi hỏi SV phải vận dụng kiến thức đã học về các nguyên tắc xây dựng đạo đức mới theo Tư tưởng Hồ Chí Minh vào trong quá học tập và rèn luyện của bản thân, từ đó phát huy năng lực tư duy sáng tạo, linh hoạt và năng lực vận dụng kiến thức vào thực tiễn hành động của các em.
2. Phương pháp nêu vấn đề kết hợp với đàm thoại và giảng giải
Phương pháp dạy học nêu vấn đề là phương pháp dạy học trong đó giảng viên nêu ra các tình huống, sự kiện, đưa sinh viên vào trạng thái tâm lý tìm tòi, khám phá, từ đó hướng dẫn, khích lệ sinh viên tìm cách giải quyết để nắm được kiến thức, phát triển trí tuệ và thái độ học tập, từ đó phát triển năng lực tư duy biện chứng, năng lực vận dụng lý luận vào thực tiễn hành động của sinh viên.
Để phát huy tính tích cực, sáng tạo của sinh viên. Tôi sử dụng phương pháp nêu vấn đề bằng cách đặt ra các câu hỏi tình huống gắn với thực tiễn để sinh viên trao đổi.
Việc đặt ra những câu hỏi như vậy sẽ rèn luyện cho sinh viên kỹ năng biết tổng hợp kiến thức để phân tích, luận giải những vấn đề thực tiễn. Đồng thời, phát huy tính tích cực, phát triển năng lực tư duy biện chứng và sáng tạo của sinh viên.
3. Phương pháp tự học của SV có sự hướng dẫn của GV
Tự học của sinh viên là quá trình sinh viên tự lực giải quyết các nhiệm vụ học tập một cách tự lực. Tự học phản ánh tính chủ động, tích cực, độc lập và tự chủ nghiên cứu của sinh viên trong quá trình học tập.
Từ việc nghiên cứu lý luận và thực tiễn về việc hướng dẫn phương pháp tự học cho sinh viên trường cao đẳng Vĩnh Phúc, chúng tôi thấy rằng, hướng dẫn phương pháp tự học chính là một cách thức dạy học, một quy trình quan trọng trong giáo dục và đào tạo ở bậc cao đẳng và đại học, trong đó người học đóng vai trò chủ động tích cực, tự giác và độc lập chiếm lĩnh, khám phá tri thức bằng hoạt động của chính bản thân mình, còn người thầy đóng vai trò chủ đạo giúp đỡ, hướng dẫn nhằm định hình cho người học có một phương pháp tự học, tự nghiên cứu đúng đắn, khoa học và hiệu quả.
IV. KẾT LUẬN
- Đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả giảng dạy và học tập của SV, phát triển năng lực của người học ở các môn Lý luận chính trị nói chung và học phần Tư tưởng Hồ Chí Minh nói riêng phải xác định là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và lâu dài của Nhà trường, tổ chuyên môn và mỗi giảng viên lý luận chính trị. Để giải quyết tốt vấn đề này đòi hỏi phải có sự quan tâm của nhà trường; sự nỗ lực về chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp của giảng viên; sự tự giác, chủ động , tích cực, sang tạo của sinh viên trong học tập. Có như vậy, mới thực sự nâng cao chất lượng, hiệu quả việc dạy học các môn Lý luận chính trị, trong đó có học phần tư tưởng Hồ Chí Minh, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo nước nhà.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
(1). Đảng Cộng sản Việt Nam (2013), Văn kiện Hội nghị lần thứ 8 BCH Trung ương khóa XI, Văn phòng trung ương Đảng, Hà Nội.
(2). Hồ Chí Minh: toàn tập, tập 9, tr.292, Nhà xuất bản CTQG Hà Nội, 1995.
(3). TS. Lê Văn Hảo “Sổ tay phương pháp giảng dạy và đánh giá năm 2010”, tr.24, Trường Đại học Nha Trang.
(4). Đinh Văn Đức- Dương Thuý Nga (đồng chủ biên): “Phương pháp dạy học môn Giáo dục công dân ở trường THPT”, tr.223, Nxb Đại học Sư phạm Hà Nội, 2009.
(5). TS. Lê Văn Hảo “Sổ tay phương pháp giảng dạy và đánh giá năm 2010”, tr.54, Trường Đại học Nha Trang.