Lối sống văn hoá không chỉ là một bộ phận cấu thành của nền văn hóa dân tộc mà còn có tác động sâu sắc đến các lĩnh vực khác của đời sống xã hội. Nhận thức được điều này, khi còn bị giam cầm trong nhà lao của Tưởng Giới Thạch, dù bận trăm công ngàn việc với bộn bề những lo toan cho việc cứu nước, giải phóng dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giành rất nhiều tâm huyết cho vấn đề văn hóa, Người khẳng định: “
Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về ăn, mặc, ở và các phương thức sử dụng khác. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt, cùng với biểu hiện của đó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”
(1). Nhận thức rõ về vai trò và tầm quan trọng của văn hoá, năm 1943, Đảng ta đã đưa ra “
Đề cương văn hóa Việt Nam”. Có thể nói, đây là lần đầu tiên, vấn đề văn hóa được đưa lên bàn nghị sự và xác định: Văn hoá là một trong ba mặt trận kinh tế, chính trị, văn hoá, cần được đặc biệt quan tâm.
Dấu mốc đánh dấu về sự đổi mới toàn diện trong tư duy về văn hoá của Đảng thể hiện ở Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 Khoá VIII (1998):
"Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc". Đây là Văn kiện mang tính Cương lĩnh của Đảng ta về văn hoá trong thời kỳ đổi mới toàn diện đất nước, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, là cơ sở định hướng cho việc xây dựng đời sống văn hóa, lối sống văn hóa mới. Như vậy, vấn đề xây dựng đời sống văn hóa, lối sống có văn hóa là một bộ phận hợp thành trong xây dựng nền văn hóa dân tộc đã được Đảng ta quan tâm từ rất sớm, ngay cả khi chúng ta chưa giành được độc lập dân tộc. Sau khi cách mạng tháng Tám thành công, việc xây dựng nền văn hóa mới đã trở thành một nhu cầu tất yếu, khách quan của chế độ mới. Đây là công việc vừa mang tính cấp thiết trước mắt, vừa là chiến lược lâu dài nhằm tạo nền tảng tinh thần cho sự phát triển của xã hội Việt Nam. Đảng ta, đứng đầu là Hồ Chủ Tịch đã đặt trọng tâm của việc xây dựng đời sống tinh thần của xã hội vào việc xây dựng nền văn hóa, xây dựng đời sống mới - đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, xây dựng lối sống văn hóa của con người Việt Nam mới trong mối quan hệ đa chiều. Trong đó, con người được đặt ở trung tâm của sự nghiệp xây dựng, phát triển văn hóa. Cùng với việc coi trọng phát triển kinh tế, chính trị, xã hội thì văn hoá cũng là một nhiệm vụ quan trọng. Hội nghị lần thứ V, Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII khẳng định: “
Văn hóa là một mặt trận; xây dựng và phát triển văn hóa là một sự nghiệp cách mạng lâu dài, đòi hỏi phải có ý chí cách mạng và sự kiên trì, thận trọng”
(2). Như thế, xây dựng đời sống văn hóa nói chung, lối sống văn hóa nói riêng là một nhiệm vụ cách mạng quan trọng, là sự nghiệp lâu dài, gian khổ, đòi hỏi phải có quyết tâm cao của toàn xã hội và của từng cá nhân.
Hiện nay, có rất nhiều cách định nghĩa khác nhau về phạm trù lối sống, tùy theo góc tiếp cận, mục đích nghiên cứu. Khi tiếp cận vấn đề dưới góc nhìn chuyên ngành Xã hội học, tác giả Đôbơrianốp cho rằng:
“Lối sống là sinh hoạt cá nhân , chủ quan hóa của hệ thống những quan hệ xã hội, của toàn bộ tổng thể những điều kiện sống thể hiện trong hoạt động của con người”(3). Cũng từ góc nhìn này, tác giả Trần Văn Bính lại có quan niệm khá thú vị khi cho rằng:
“Lối sống là một phạm trù xã hội học khái quát toàn bộ hoạt động sống của các dân tộc, các giai cấp, các cá nhân trong những điều kiện của một hình thái kinh tế - xã hội nhất định và biểu hiện trong các lĩnh vực của đời sống, trong lao động và hưởng thụ, trong quan hệ giữa người với người, trong sinh hoạt tinh thần và văn hóa”(4). Tiếp cận lối sống từ góc nhìn chuyên ngành Tâm lý học, tác giả Sôrôkhôva đưa ra quan niệm:
“Lối sống là toàn bộ những hệ thống hoạt động sinh sống tiêu biểu, là phương thức hành động đã được xác định”(5),..Mặc dù, cách hiểu, cách tiếp về lối sống rất phong phú, nhưng có thể quy các ý kiến thành hai khuynh hướng cơ bản.
Thứ nhất, không phải bất cứ hoạt động sống, bất cứ phương thức tiến hành hoạt động sống nào của con người cũng đều được coi là lối sống, mà chỉ những hoạt động sống và phương thức tiến hành các hoạt động sống được lặp đi lặp lại, có tầm ảnh hưởng mạnh và độ phổ biến cao trong đa số cá thể của một nhóm, một cộng đồng người hay trong toàn xã hội thì mới được coi là lối sống và các biểu hiện của lối sống. Tất nhiên, khi một lối sống mới ra đời thì tầm ảnh hưởng, tính phổ quát và tần suất lặp lại của nó sẽ không cao.
Thứ hai, lối sống là tất cả những hoạt động sống và phương thức tiến hành các hoạt động sống được một bộ phận lớn hoặc toàn thể các nhóm, các cộng đồng người chấp nhận và thực hành trong một khoảng thời gian tương đối ổn định, trong một môi trường cụ thể.
Từ những quan niệm trên về lối sống, ta có thể hiểu lối sống là các chiều cạnh chủ quan của văn hóa, là quá trình hiện thực hóa các giá trị văn hóa thông qua hoạt động sống của con người. Lối sống bao gồm tất cả những hoạt động sống và phương thức tiến hành các hoạt động sống được một bộ phận lớn hoặc toàn thể nhóm hay cộng đồng người chấp nhận và thực hành trong một khoảng thời gian tương đối ổn định, đặt trong mối tương tác biện chứng của các điều kiện sống thực tồn và trong các mối liên hệ lịch sử của chúng. Là một thành tố của văn hóa, một phương thức tồn tại và biểu hiện của văn hóa, lối sống luôn có liên quan mật thiết với văn hóa nhưng nó không hoàn toàn đồng nhất với văn hóa và cũng không đồng nhất với hoạt động sống. Giữa lối sống và văn hóa chỉ là mối quan hệ giữa cái chung và cái riêng, giữa cái đặc thù và cái phổ biến. Lối sống hình thành và thể hiện ở mọi lĩnh vực của cuộc sống, dưới hai hình thức: lối sống cá nhân và lối sống tập thể. Dưới tác động của kinh tế - xã hội, của môi trường văn hóa và điều kiện tự nhiên, lối sống không phải là bất biến, tĩnh lặng mà luôn vận động, biến đổi, song không phải lúc nào cũng biến đổi theo chiều hướng tích cực.
Vậy lối sống văn hóa là gì? Từ cách hiểu về văn hóa và lối sống ở trên, ta có thể khái quát về lối sống văn hóa như sau: Là những thói quen hành xử đẹp của cá nhân hoặc của một cộng đồng. Lối sống văn hóa người Việt Nam được hình thành do điều kiện địa lý, kinh tế, chính trí, trước hết là tâm lý và văn hoá dân tộc Việt Nam. Vì vậy, lối sống văn hóa của người Việt Nam chính là sư hoá thân của các giá trị truyền thống dân tộc, mang những nét riêng bản sắc của con người và văn hoá Việt Nam.
2. Tầm quan trọng của việc xây dựng lối sống văn hóa cho phụ nữ ở nước ta
Lối sống là tổ hợp toàn bộ các mô hình, cách thức và phong thái sống của con người thể hiện trong mọi phương thức cũng như lĩnh vực hoạt động, từ sản xuất, tiêu dùng, sinh hoạt đến thái độ, hành vi, cách tư duy, ứng xử giữa con người với con người, giữa chủ thể với khách thể, giữa điều kiện với phương tiện và mục đích sống. Trong lối sống có sự tổng hoà những nét cơ bản, khắc hoạ những đặc điểm cuộc sống của các cá nhân, nhóm người, của giai cấp, dân tộc trong một xã hội nhất định. Bởi vậy, việc xây dựng lối sống văn hóa có ý nghĩa vô cùng to lớn trước những biến động của đời sống xã hội hiện nay. Điều này, càng trở nên có ý nghĩa và tầm quan trọng to lớn đối với người phụ nữ, bởi người phụ nữ luôn mang trong mình giá trị kép: người giữ lửa trong mỗi gia đình, đồng thời là người trao truyền cho con cái họ những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc, lề thói gia phong một cách tự giác và thường xuyên. Để làm tốt việc này, cần hướng vào các nội dung sau:
Một là, xây dựng lối sống văn hóa cho người phụ nữ xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ của chính bản thân người phụ nữ trong giai đoạn hiện nay. Trong công cuộc xây dựng đất nước theo hướng CNH, HĐH, phụ nữ Việt Nam tiếp tục đóng vai trò quan trọng, là động lực thúc đẩy sự phát triển chung của xã hội. Người phụ nữ có vai trò, vị trí hết sức quan trọng trong gia đình, là người chăm sóc và giáo dục con cái, đồng thời, là người sắp xếp, tổ chức cuộc sống và giữ vai trò trọng yếu trong việc điều hòa các mối quan hệ của gia đình. Trong thời đại mới, bên cạnh vai trò quan trọng trong gia đình, người phụ nữ còn tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội. Ngày càng có nhiều người phụ nữ trở thành chính trị gia, nhà khoa học nổi tiếng, nhà hoạt động xã hội, nhà quản lý năng động,..Với tiềm năng và thế mạnh của mình, phụ nữ Việt Nam thực sự đang giữ những trọng trách to lớn trước sự biến đổi của đất nước, dù là phụ nữ ở thành thị hay nông thôn, đồng bằng hay miền núi, phụ nữ người dân tộc thiểu số hay đa số, trí thức hay nông dân,..đều có những đóng góp quan trọng vào thành quả cách mạng chung của dân tộc. Có rất nhiều những tấm gương phụ nữ vượt qua những khó khăn, thử thách khắc nghiệt của cuộc sống, của cơ chế thị trường vươn lên làm chủ cuộc sống, trở thành những nữ trí thức có trình độ học vấn cao, nữ doanh nhân thành đạt hay nhà quản lý tài năng.
Tuy nhiên, quá trình CNH, HĐH cũng đòi hỏi người phụ nữ phải tự “nâng mình lên” ngang tầm với những đòi hỏi thời đại: Có tri thức, năng động, nhạy bén trước cái mới, sống có đạo đức, sức khỏe, có khả năng cạnh tranh cao,.. Có thể nói, hơn bao giờ hết phụ nữ Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội nhưng cũng phải đối mặt với nhiều thách thức. Do vậy, người phụ nữ cần phải rèn luyện, phấn đấu hơn nữa để phát huy những tiềm năng, thế mạnh của mình, đặc biệt phải biết gìn giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tu dưỡng đạo đức và xây dựng lối sống văn hóa làm nền tảng cho sự hoàn thiện con người đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội trong thời đại mới.
Hai là, xây dựng lối sống văn hóa cho người phụ nữ nhằm hoàn thiện con người theo hướng “Chân - Thiện - Mỹ, phát huy phẩm chất đạo đức của phụ nữ Việt Nam, tạo nền tảng để xã hội phát triển bền vững. Hoạt động của con người chân chính ở thời đại nào cũng hướng tới: “Chân - Thiện - Mỹ”. Ý nghĩa cuộc sống chính là những thành quả của lao động, của sự sáng tạo mà con người cống hiến cho xã hội, đóng góp tâm lực, trí lực của mình vào cuộc sống chung của thời đại và cho cả những thế hệ tương lai. Do vậy, các giá trị: “ Chân - Thiện - Mỹ” được xem là cột trụ tinh thần phổ quát trong đời sống xã hội loài người. Trong đó, “Chân” được coi là gốc, là điểm xuất phát của “Thiện” và “Mỹ”. Song, khi đạt được đến đỉnh cao thì Chân, Thiện, Mỹ hầu như không còn ranh giới, chúng hòa làm một, trở thành nhân tố chủ đạo chi phối toàn bộ mục đích, lẽ sống của con người.
Trong quan niệm truyền thống của người Việt Nam, những đức tính như trung thực, tôn trọng sự thực, khiêm nhường,..luôn được đề cao và coi trọng. Khi sống chân thành, ngay thẳng, cái “Thiện” cũng lập tức được xác lập và hòa quyện vào cái “Chân”. Sự hòa quện này tưởng chừng giữa chúng không còn ranh giới, đó là lối sống ngay thẳng. Khi đã đạt đến cái “Chân”, cái “Thiện” thì con người ta sẽ trở nên cao thượng, sáng ngời - tức là cái “Mỹ” xuất hiện, trở thành tấm gương trong sáng, thành hình mẫu lý tưởng để người khác học tập.
Ở nước ta, thể chế kinh tế thi trường đã từng bước hình thành, phát triển và ngày càng tỏ rõ tính tất yếu trong đời sống kinh tế - xã hội, CNH, HĐH, hội nhập quốc tế diễn ra ngày càng sâu rộng,..Các yếu tố đó đang có những tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống xã hội theo cả hai chiều hướng tích cực và tiêu cực. Bên cạnh sự phát triển phồn vinh về mặt kinh tế, mặt xã hội, trong đó, đạo đức, lối sống đang nảy sinh nhiều vấn đề nhức nhối. Những mất mát, lệch chuẩn về giá trị, lối sống đang ngày càng gia tăng ở nhiều tầng lớp xã hội, phụ nữ không là ngoại lệ. Trước thực tế đó, việc khẳng định vai trò quan trọng của các giá trị đạo đức truyền thống của phụ nữ Việt Nam trong việc định hướng cho phụ nữ hiện nay hướng tới những giá trị Chân - Thiện - Mỹ là cơ sở để họ tự trau dồi và xây dựng cho mình một nhân cách đạo đức, lối sống lành mạnh, trong sáng.
Ba là, xây dựng lối sống văn hóa cho người phụ nữ là động lực tinh thần giúp cho người phụ nữ vượt qua mọi khó khăn, thử thách để giữ vững phẩm chất của mình trong thời đại mới. Ở nước ta, xây dựng và phát triển nền KTTT đi liền với quá trình đổi mới đất nước theo định hướng XHCN. Quá trình này mang lại cho đất nước nhiều kết quả khả quan trong nhiều lĩnh vực. Bên cạnh những thành quả đạt được, đời sống của một bộ phận phụ nữ đang có những diễn biến phức tạp trong việc định hướng và xây dựng lối sống. Trong đó, đồng tiền có vai trò tối thượng trong việc điều tiết quan hệ trong mọi lĩnh vực của đời sống, làm rạn nứt nhiều mối quan hệ: quan hệ giữa con người với con người, đời sống tình cảm - hôn nhân, gia đình. Tâm lý chạy theo đồng tiền, lối sống thực dụng, trọng kinh tế, tìm đủ mọi cách để kiếm tiền và tiêu tiền kể cả những đồng tiền bất chính đang cho chúng ta thấy “ma lực ghê gớm” của đồng tiền. Không ít người phụ nữ đã hình thành quan niệm “mọi chuyện đều do đồng tiền quyết định”, coi giá trị đồng tiền là duy nhất, ngoài tiền ra những giá trị khác đều là vô nghĩa; lòng nhân ái, sự hy sinh quên mình cho gia đình và vì gia đình, chồng con, đất nước, lối sống tình nghĩa, thủy chung,..nhường chỗ cho lối sống vị kỷ, bản năng, thấp hèn,..Do vậy, cần phải có sự định hướng, kế thừa và phát huy có hiệu quả những giá trị đạo đức truyền thống của phụ nữ, ngăn chặn những xu hướng sai lệch, khai thác những giá trị tốt đẹp, nhân văn mà phụ nữ Việt Nam đã vun đắp qua hàng ngàn năm, tạo sức “lan tỏa” tạo nên sức mạnh và có khả năng “miễn dịch” trước những thách thức của thời đại.
Bốn là, xây dựng lối sống văn hóa cho người phụ nữ góp phần quan trọng tạo ra cơ chế “phòng ngừa”, “miễn nhiễm” cho người phụ nữ trước những tác động tiêu cực của cơ chế thị trường, xu thế toàn cầu hóa. Chúng ta đang chứng kiến sự biến động mạnh mẽ của quá trình toàn cầu hóa, quốc tế hóa nền kinh tế thế giới. Quá trình đó đã và đang tác động trực tiếp đến mọi quốc gia. Cùng với những tác động tích cực, hội nhập, mở rộng kinh tế quốc tế đang đặt ra vô vàn những khó khăn, thách thức với các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc nói chung, giá trị đạo đức truyền thống của phụ nữ Việt Nam nói riêng. Hội nhập trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội là điều kiện và nguyên nhân làm xuất hiện cả “ làn gió lành” lẫn “làn gió độc” tác động vào hệ thống các chuẩn mực đạo đức truyền thống và hiện đại, dân tộc và quốc tế. Khả năng diễn ra sự ảnh hưởng, xung đột, lấn át về giá trị và lối sống của quốc gia, dân tộc này tới các quốc gia, dân tộc khác là điều khó tránh. Đó là môi trường thuận lợi cho sự nảy sinh và nuôi dưỡng tư tưởng sùng bái vật chất, tôn thờ đồng tiền, sự du nhập lối sống cá nhân vị kỷ, xa lạ với lối sống của dân tộc, với những phẩm chất đạo đức truyền thống của dân tộc
Bên cạnh đó, làn sóng phản văn hóa như: sách báo, băng đĩa, phim ảnh với những nội dung đồi trụy, phản động; những trang webiste không lành mạnh xuất hiện tràn lan trên mạng Internet,..không chỉ tác động mạnh đến đời sống tinh thần, những chuẩn mực đạo đức xã hội mà còn có ảnh hưởng bất lợi đến tình cảm, lối sống của người phụ nữ hiện nay. Nói như vậy không có nghĩa chúng ta phải đóng cửa, khước từ thiết lập mối quan hệ song phương, đa phương với cộng đồng quốc tế. Điều đó hoàn toàn là không thể, trái quy luật bởi toàn cầu hóa là xu thế tất yếu của thời đại. Trái lại, để không bị gạt ra ngoài lề của sự phát triển, cần phải chủ động hội nhập nhưng cần phải nhận thức được đâu là nội lực, là các giá trị nội sinh của dân tộc để khai thác, phát huy và phải xác định: giá trị đạo đức truyền thống của phụ nữ Việt Nam là “màng lọc” hữu dụng nhất giúp người phụ nữ thời đại mới “phòng ngừa”, “miễn nhiễm” với những điều phản văn hóa, phi giá trị.
==========================
Danh mục tài liệu tham khảo
(1). Giáo trình:
tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị quốc gia Hà Nội, 2009.
(2). Đảng cộng sản Việt Nam,
Văn kiện Hội nghị lần thứ V Ban chấp hành Trung ương khoá VIII, Nxb Chính trị quốc gia Hà Nội, 1998.
(3). Giáo trình:
Xã hội học Mác - Lênin, Nxb Thông tin Lý luận, Hà Nội, 1985.
(4). Nguyễn Hồng Ánh (2005),
Phân tích về mặt tâm lý học lối sống của sinh viên ở thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay, Luận án tiến sĩ.
(5). Trần Văn Bính (Chủ biên - 1997),
Văn hóa xã hội chủ nghĩa, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
(6). Phạm Hồng Tung (2007),
Nghiên cứu về lối sống: một số vấn đề về khái niệm và cách tiếp cận, Tạp chí Khoa học, Chuyên san Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, tập 23, số 4.
Nguyễn Đức Khiêm