Trang nhất » Tin Tức » Bài viết - Trao đổi

Những yêu cầu cơ bản trong xây dựng lối sống văn hóa cho phụ nữ trong giai đoạn hiện nay.

Thứ năm - 29/10/2015 08:26
Phụ nữ ngày nay

Phụ nữ ngày nay

Toàn cầu hóa đang đưa lối sống của nhiều nước trên thế giới mà điển hình nhất là lối sống của các nước Phương Tây vào nước ta


Lối sống ấy, tác động tích cực đến việc làm thay đổi lối sống khép kín, cam chịu, phụ thuộc, vốn có của người phụ nữ Việt Nam sang một lối sống cởi mở, năng động, tự lập, dám làm những điều phù hợp với chuẩn mực đạo đức, đúng đắn, dám chịu trách nhiệm,..phù hợp với xu thế thời đại. Cùng với đó, công nghệ thông tin hiện đại đang truyền bá, phát tán rộng khắp toàn cầu lối sống sùng bái vật chất, cá nhân, vị kỷ, thực dụng, đua đòi, ăn chơi xa hoa, lãng phí, sống trụy lạc, thác loạn, ưa dùng bạo lực,..Lối sống đó đang tác động mạnh mẽ đến một bộ phận nhân dân, trong đó có cả phụ nữ, nhất là tầng lớp phụ nữ trẻ - những người đang xây và những người sẽ xây dựng đất nước. Trong xu thế đối thoại giữa các nền văn hóa trên thế giới hiện nay, việc định giá, xây dựng lối sống văn hóa cho người phụ nữ có giá trị lý luận và thực tiễn to lớn.
Toàn cầu hóa kinh tế quốc tế là một xu thế tất yếu trong bối cảnh hiện nay, là điều kiện, cơ hội nhưng cũng là thách thức đối với tất cả các quốc gia dân tộc trên con đường phát triển. Để tận dụng được cơ hội, tạo nền móng vững chắc cho sự phát triển hưng thịnh của dân tộc, chúng ta phải chủ động và tích cực hội nhâp. Đây là cơ hội để chúng ta phát triển nhanh có hiệu quả, nhưng cũng là thách thức rất lớn với nước ta trên nhiều mặt, bao hàm cả văn hóa. Sự thâm nhập về văn hóa luôn song trùng với sự thâm nhập về kinh tế, sự gia tăng lợi ích kinh tế luôn kèm theo sự lai căng văn hóa, lối sống thực dụng và những tiêu cực khác của kinh tế thị trường,..đã và đang ảnh hưởng, làm băng hoại những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc nói chung, giá trị văn hóa truyền thống của người phụ nữ Việt Nam nói riêng, ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của đất nước. Thực hiện chính sách hội nhập để tăng cường liên kết, liên doanh với nước ngoài là rất cần thiết. Song, mọi yếu tố ngoại sinh như: vốn, kỹ thuật, công nghệ, kinh nghiệm quản lý và thị trường của nước ngoài chỉ có thể biến thành động lực bên trong của sự phát triển, nếu chúng được vận dụng phù hợp và trở thành các yếu tố nội sinh của con người Việt Nam với truyền thống văn hóa, đạo đức, tâm hồn, lối sống của dân tộc Việt Nam. Trên cơ sở kiến thức khoa học, kinh nghiệm và sự tỉnh táo, khôn ngoan, chúng ta cần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình hội nhập, phát triển. Bởi lẽ, nền văn hóa dân tộc sẽ đóng vai trò định hướng, điều tiết để hội nhập và phát triển bền vững, hội nhập để phát triển nhưng vẫn giữ vững được độc lập, tự chủ. Hợp tác kinh tế với nước ngoài mà không bị người ta lợi dụng, biến mình thành kẻ đi vay nặng lãi, thành nơi cung cấp nguyên liệu và nhân công giá rẻ, thành nơi tiêu thụ hàng hóa ế thừa và tiếp nhận chuyển giao những công nghệ lạc hậu, tiếp nhận lối sống không lành mạnh.
Văn hóa truyền thống Việt Nam hướng dẫn và cổ vũ một lối sống hòa hợp, hài hòa với thiên nhiên. Nó đưa ra mô hình ứng xử có văn hóa của con người đối với thiên nhiên, vì sự phát triển bền vững của thế hệ hiện nay và các thế hệ con cháu mai sau. Phát triển tách khỏi cội nguồn dân tộc thì nhất định sẽ lâm vào nguy cơ tha hóa. Thực hiện kinh tế thị trường định hướng XHCN, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước mà xa rời những giá trị văn hóa truyền thống sẽ làm mất đi bản sắc dân tộc, đánh mất bản thân mình, trở thành cái bóng mờ nhạt, vô nghĩa của người khác, của dân tộc khác. Nhận thức sâu sắc giá trị của văn hóa trong quá trình phát triển, Đảng ta xác định tiến hành đồng bộ và gắn kết chặt chẽ ba lĩnh vực: Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ then chốt cùng với việc xây dựng văn hóa, nền tảng tinh thần của xã hội nhằm tạo nên sự phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững của đất nước. Trong đó, nội dung xây dựng văn hóa được xác định: “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, một định hướng quan trọng để đất nước phát triển bền vững .
Trên cơ sở giá trị đạo đức truyền thống của phụ nữ Việt Nam, để phát huy các giá trị này trong xây dựng lối sống văn hóa cho người phụ nữ hiện nay cần tập trung vào những yêu cầu cơ bản sau:
Một là, có tinh thần yêu nước sâu sắc, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH; thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; Phấn đấu thực hiện thắng lợi các phong trào phụ nữ mà Đảng, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đề ra. Lòng yêu nước là một trong những tình cảm tự nhiên, sâu sắc nhất của con người được củng cố qua hàng ngàn năm tồn tại của các quốc gia dân tộc. Khi lòng yêu nước phát triển lên một trình độ nhận thức sâu sắc và có hệ thống sẽ chi phối một cách có ý thức mọi hành vi ứng xử của con người và trở thành chủ nghĩa yêu nước. Chủ nghĩa yêu nước là một trong những nấc thang cao nhất trong bảng thang giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Ngày nay, phát huy truyền thống yêu nước của dân tộc, quan niệm yêu nước trong lối sống của phụ nữ nước ta mang nội hàm yêu chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa yêu nước chân chính hiện nay cần được thể hiện trong đấu tranh để bảo vệ nền độc lập dân tộc và quyền bình đẳng dân tộc, xây dựng đất nước giàu mạnh. Tinh thần yêu nước của phụ nữ hiện nay còn biểu hiện ở tình yêu những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu những tinh hoa của nhân loại một cách có chọn lọc và luôn coi trọng những giá trị truyền thống, bản sắc dân tộc, không tự biến mình  cái thành bóng mờ hoặc bản sao chép của dân tộc khác, con người khác.
Hai là, biết tổ chức cuộc sống và xây dựng tốt mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình. Tổ chức cuộc sống gia đình, không chỉ là sắp xếp các công việc gia đình một cách khoa học mà còn chứa đựng trong đó trái tim, tình yêu và tình ruột thịt. Sự quan tâm đến cảm nhận, tình yêu thương, sự sẻ chia lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình mà không một thiết chế xã hội nào có thể thay thế được. Cuộc sống hiện đại cùng những áp lực từ công việc trong một thế giới đang đổi thay từng ngày, từng giờ nên vai trò của gia đình và trách nhiệm của các thành viên trong gia đình càng cần được quan tâm hơn nữa. Trách nhiệm này trước hết thuộc về người phụ nữ - xứ giả của tình yêu thương và cũng là người giữ lửa trong mỗi gia đình. Bên cạnh mối quan hệ tình cảm giữa các thành viên trong gia đình, quan hệ tình nghĩa vợ chồng là một trong những mỗi quan hệ chịu tác động rất lớn của những thay đổi xã hội trong quá trình hội nhập quốc tế. Vấn đề “chung thủy” đã tốn khá nhiều giấy mực khi bàn về quan hệ vợ chồng trong xã hội hiện đại. Cách hiểu một chiều và lệch lạc về tự do cá nhân, về hôn nhân, ly hôn tự nguyện sẽ dẫn đến sự phủ nhận trách nhiệm, sự ràng buộc giữa vợ và chồng, mà hệ lụy của nó là sự tan vỡ của gia đình. Người phụ nữ biết tổ chức cuộc sống gia đình và biết gắn kết sợi dây tình cảm của các thành viên gia đình là người biết lấy các giá trị bền vững của gia đình truyền thống làm nền tảng để tiếp nhận những giá trị mới làm cho gia đình hiện đại phát triển và hạnh phúc.
Ba là, có tinh thần tự giác học tập, lao động sáng tạo, nâng cao chất lượng cuộc sống và không ngừng vươn lên hoàn thiện bản thân. Lao động sáng tạo là hoạt động của con người dùng cải biến giới tự nhiên, xã hội và chính bản thân mình. Trong lao động, sự thông minh, sáng tạo và thái độ đối với lao động là chuẩn mực quan trọng để đo phẩm giá con người. Đạo đức mới đòi hỏi con người có thái độ lao động đúng đắn, lao động tự giác, có kỷ luật, cần cù, sáng tạo, có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, thông minh, sáng tạo trong lao động, ham học hỏi vươn lên về mọi mặt, biết thích nghi với xu thế hiện đại trên nền tảng của giá trị truyền thống là một nội dung quan trọng trong đạo đức mới của người phụ nữ hiện nay. Lịch sử truyền thống phụ nữ đã có không ít những tấm gương phụ nữ thông minh sáng tạo, mưu trí trong đánh giặc, trong sản xuất và trong tổ chức cuộc sống gia đình. Ngày nay, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đòi hỏi phụ nữ không chỉ cần cù, đảm đang công việc gia đình mà còn phải thông minh, sáng tạo trong lao động sản xuất, trong tổ chức đời sống và sinh hoạt xã hội. Tính sáng tạo là đặc trưng của con người hiện đại, nó phải được quán triệt trong cách nghĩ, cách làm vừa đáp ứng những đòi hỏi bức thiết của cuộc sống hiện đại, vừa phải biết nhìn xa trông rộng, mưu tính lâu dài vì cuộc sống của mình và sự phát triển lâu bền của đất nước.
Ngày nay, phụ nữ có điều kiện, phương tiện thuận lợi hơn để giảm nhẹ nhiều công việc gia đình, do đó họ sẽ có thời gian cho học tập, cho hoạt động xã hội, hoạt động nghiên cứu khoa học và tham gia lao động tăng thêm thu nhập, giúp cải thiện đời sống cho bản thân và gia đình. Với truyền thống cần cù, chịu thương chịu khó, với tâm lý muốn đi làm, muốn tham gia vào các hoạt động xã hội, chắc chắn bước sang thế kỷ XXI này, phụ nữ Việt Nam sẽ có bước tiến mới trong sự bình đẳng giới cả trong gia đình và ngoài xã hội.
Bốn là, có trình độ hiểu biết về quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, có trình độ văn hóa và năng lực chuyên môn. Trong điều kiện xây dựng CNH, HĐH hiện nay đòi hỏi người phụ nữ phải có kiến thức cập nhật với trình độ phát triển đất nước bởi không thể thực hiện thành công sự nghiệp giải phóng phụ nữ nếu không chăm lo giáo dục, đào tạo bồi dưỡng, nâng cao kiến thức hiểu biết và tạo công ăn việc làm cho họ.  Nâng cao trình độ kiến thức của phụ nữ là gián tiếp góp phần nâng cao trình độ hiểu biết cho nhiều thế hệ tương lai của đất nước. Vì vậy, học tập là hành vi đạo đức cao đẹp giúp phụ nữ có tri thức, trí tuệ rộng mở, nhìn xa, thấy rộng. Đồng thời, qua học tập, người phụ nữ cũng tự hoàn thiện nhân cách, lối sống của chính mình. Sinh thời, chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: học ở nhà, học ở trường, học lẫn nhau và học ở nhân dân; học trong cuộc sống, có như vậy người phụ nữ mới có thể làm giàu kho tri thức của bản thân, là cơ sở cho sự sáng tạo trong hoạt động thực tiễn, trong nghiên cứu khoa học và trong quá trình hội nhập với thế giới.
Năm là, có tinh thần nhân hậu, vị tha. Lòng trung thực, đức tính vị tha hay chủ nghĩa nhân đạo mới là một giá trị đạo đức cao đẹp của dân tộc ta, giá trị ấy được ăn sâu, bám rễ trong lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc. Chủ nghĩa nhân đạo mới là một nguyên tắc đạo đức mới, đó chính là lòng thương yêu những người lao động, lòng kính trọng đối với những phẩm giá của con người và sự tận tụy phục vụ lợi ích của con người. Lòng thương người, vị tha không mang tính chung chung mà được thể hiện bằng những hành động hiện thực. Chủ nghĩa nhân đạo mới theo lập trường của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là đấu tranh giải phóng con người khỏi áp bức trong đó có giải phóng phụ nữ, đem lại sự bình đẳng, tự do, hạnh phúc cho phụ nữ trong các lĩnh vực hoạt động xã hội, trong học tập và trong gia đình họ.
Lòng nhân hậu, vị tha, đức tính trung thực ở người phụ nữ ngày nay thể hiện ở tình thương yêu giữa con người với con người, ở những hành động và việc làm cụ thể cả đối với những con người lầm đường lạc lối,..Với tấm lòng nhân hậu xuất phát từ trong sâu thẳm tâm hồn, người phụ nữ đã đồng cảm, khoan dung chia sẻ, nhưng cũng cần kiên quyết đấu tranh để giúp những người lầm lỗi nhận thức, khắc phục những khuyết điểm của mình, thức tỉnh lương tri, cảm hóa họ, để họ trở về với cuộc sống cộng đồng, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.
Điều đáng trân trọng là trong cơ chế thị trường, tấm lòng trung hậu vốn có của người phụ nữ Việt Nam vẫn được giữ gìn, phát huy và bổ sung thêm những phẩm chất mới. Trung hậu là đạo lý làm người nên trong các mối quan hệ gia đình, làng xóm, trong các mối quan hệ kinh doanh, sản xuất, dịch vụ,..người phụ nữ vẫn giữ phẩm chất truyền thống của mình. Hàng triệu phụ nữ đã tham gia vào phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", tham gia hoạt động nhân đạo từ thiện, góp phần giải quyết những vấn đề xã hội bức xúc. Trước nhiệm vụ mới của đất nước, phụ nữ cần phải khéo léo, biết kết hợp hài hòa giữa công việc gia đình và công việc xã hội, biết phát huy tiềm năng sáng tạo của mình; khuyến khích làm điều thiện, chống chiến tranh, chống phân biệt đối xử, chống đói nghèo, tránh điều ác...,Đồng thời, xây dựng môi trường gia đình, xã hội lành mạnh, nhân văn cho sự tồn tại của con người trong hiện tại và các thế hệ mai sau. Đó thực sự là những vấn đề mà phụ nữ Việt Nam hiện đại cần phải hướng tới.
Sáu là, có đức tính thủy chung, thanh lịch. Một chuẩn mực đạo đức mới, hiện đại mà người phụ nữ nước ta hiện nay cần phải đạt được, đó là vẻ đẹp thanh lịch, một sự thanh tao và lịch lãm. Vẻ đẹp ấy phản ánh cái đẹp trong truyền thống dân tộc được chắt lọc và truyền nối. Nét đẹp thanh lịch là sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại, giữa bản sắc dân tộc và nền văn hóa thế giới hội tụ trong người phụ nữ Việt Nam hiện đại. Dưới chế độ cũ, phụ nữ bị ảnh hưởng bởi quan niệm đạo đức phong kiến, bởi tư tưởng "trọng nam khinh nữ", "tam tòng", "tứ đức",.. Đó là thứ đạo đức biến người phụ nữ trở nên lệ thuộc hoàn toàn vào đàn ông, trở thành công cụ mua vui cho họ.Vì thế, sắc đẹp bên ngoài của người phụ nữ là quan trọng nhất. Mặc dù chịu ảnh hưởng bởi quan niệm đạo đức phong kiến hà khắc của Nho giáo, nhưng ở Việt Nam phụ nữ có bề dày truyền thống trong lịch sử dân tộc, họ vẫn được bình đẳng hơn so với các nước theo đạo Hồi hoặc theo Nho giáo trong khu vực. Dân tộc ta chịu tác động của quan niệm đạo đức Nho giáo vẫn không thể tán thành quan niệm đạo đức đó. Cha ông ta đánh giá đạo đức của người phụ nữ theo những tiêu chuẩn khác, đó là những phẩm chất tạo nên truyền thống đạo đức của người phụ nữ trong quá trình dựng nước và giữ nước. Vẻ đẹp của người phụ nữ không chỉ ở sắc đẹp bề ngoài mà ở tinh thần đảm đang gánh vác việc nhà, việc nước. Hình ảnh người phụ nữ nước ta đi vào trong văn học, nghệ thuật trước hết là hình ảnh những người mẹ, người vợ sản xuất giỏi, chiến đấu tài, thủy chung son sắt. Hồ Chủ tịch đã viết:
“Việt Nam phụ nữ đời đời
Nhiều người vì nước, vì nòi hy sinh.
Ngàn thu rạng tiếng bà Trưng,
Ra tay cứu nước, cứu dân đến cùng.
Bà Triệu Ấu thật anh hùng,
Cưỡi voi đánh giặc, vẫy vùng bốn phương.
Mấy năm cách mệnh khẩn trương,
Chị em phụ nữ thường thường tham gia.
Mấy phen tranh đấu xông pha,
Lòng vàng gan sắt nào đà kém ai?
Kìa như chị Nguyễn Minh Khai
Bị làm án tử đến hai ba lần.
Bây giờ cơ hội đã gần,
Đánh Tây, đánh Nhật, cứu dân nước nhà.
Chị em cả trẻ đến già
Cùng nhau đoàn kết đặng mà đấu tranh.
Đua nhau vào hội Việt Minh
Trước giúp nước, sau giúp mình mới nên.
Làm cho thiên hạ biết tên
Làm cho rõ mặt cháu Tiên, con Rồng”.
 
Trong văn hóa truyền thống, cha ông ta coi trọng cái đẹp tâm hồn – cái đẹp mang tính chất thuần Việt: "cái nết đánh chết cái đẹp" hay "tốt gỗ hơn tốt nước sơn". Ngày nay, quan niệm cái đẹp có nhiều thay đổi, một người phụ nữ đẹp là sự kết hợp hài hòa giữa hình thức và nội dung: sự trang nhã, trong sáng trong trang phục, sự lịch lãm của trí tuệ, tâm hồn. Từ phong cách lối sống của người phụ nữ trong gia đình đến nơi làm việc, từ không gian sinh tồn riêng tư đến nơi công cộng đều có dáng dấp của người phụ nữ hiện đại nhưng vẫn đậm dấu ấn truyền thống, bản sắc văn hóa của dân tộc. Họ tự nhiên, mạnh dạn nhưng vẫn rất dịu dàng, duyên dáng; giản dị mà trang nhã, táo bạo mà vẫn nhẹ nhàng, tế nhị. Từ dáng vẻ đến cử chỉ, lời nói, cách ứng xử hợp lòng người, hợp hoàn cảnh, toát lên vẻ lịch thiệp, trung hậu.
Như vậy, sự thanh tao, lịch lãm của người phụ nữ, được thể ngay ở dáng vẻ bên ngoài; nhưng thực chất nó đã phản ánh của một nền văn hoá đã được chắt lọc, truyền nối. Nét đẹp thanh lịch được đánh giá trong cuộc sống hàng ngày của gia đình, trong cơ quan, ngoài xã hội. Tuy nhiên, đất nước đang thực hiện quá trình CNH, HĐH, sự thanh lịch đòi hỏi phải đi đôi với lối sống, tác phong công nghiệp thì người phụ nữ mới đáp ứng được yêu cầu của thời đại.
Bảy là, có sức khỏe để đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc. Để thực hiện đ­ược tất cả những chuẩn mực cơ bản nêu trên, đòi hỏi người phụ nữ phải có một thể lực tốt. Đây là chuẩn mực th­ường ít đ­ược quan tâm đúng mức. Ngoại trừ một số phụ nữ ở nội thành có điều kiện th­ường xuyên luyện tập thể dục, thể thao,..còn lại phần đông phụ nữ, nhất là công nhân, nông dân ch­ưa có điều kiện để phát triển thể lực, thậm chí còn phải chịu nhiều ảnh h­ưởng bất lợi từ nghề nghiệp, từ cuộc sống hàng ngày đến thể lực. B­ước vào thời kỳ CNH, HĐH người phụ nữ không những cần có thể lực tốt, thể hình đẹp vì lý do thẩm mỹ, vì hạnh phúc gia đình mà còn vì đó là nguồn nhân lực đảm bảo trực tiếp, hiệu quả việc nâng năng suất, chất l­ượng, hiệu quả trong các quá trình sản xuất vật chất của gia đình và xã hội.
Lao động trong thời đại công nghiệp luôn căng thẳng, tập trung cao độ, mà ngư­ời phụ nữ luôn thực hiện song trùng hai chức năng cơ bản: gia đình và xã hội, nên đòi hỏi họ phải có một sức lực bền bỉ, có sức khoẻ mới thực hiện tốt thiên chức của người vợ, người mẹ và người công dân trong thời đại mới. Mặt khác, tiêu chí của xã hội hiện đại đòi hỏi người phụ nữ phải khoẻ thì mới đẹp, đẹp về hình thức, về trí tuệ, tâm hồn, một tâm hồn lớn phải được nuôi dư­ỡng trong một cơ thể khoẻ mạnh thì mới cho hoa thơm và trái ngọt.
Như vậy, xác định một số yêu cầu trên, góp phần hướng tới xây dựng lối sống văn hóa của người phụ nữ Việt Nam phù hợp với giai đoạn phát triển của thời kỳ đổi mới và xu thế hội nhập toàn cầu. Các nội dung đó được xây dựng, kế thừa và phát huy trên những giá trị đạo đức truyền thống của phụ nữ trong lịch sử: lòng yêu nước, anh hùng, bất khuất; trung hậu, đảm đang; yêu thương chồng con; phát triển tinh hoa văn hóa dân tộc,..Cách tiếp cận này không những khẳng định, tôn vinh những giá trị đạo đức truyền thống trong tiến trình hội nhập, phát triển mà còn kế thừa, phát huy những giá trị tích cực trong đạo đức truyền thống của phụ nữ Việt Nam góp phần tạo nên lối sống văn hóa của phụ nữ hiện nay.
======================
Danh mục tài liệu tham khảo
1. Lê Thị Nhâm Tuyết (1973), Phụ nữ Việt Nam qua các thời đại, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
2. Lê Hải Triều (2007), Phụ nữ Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và công cuộc đổi mới đất nước, Nxb Văn hóa Thông tin.
3. Trần Quốc Vượng (2000), Truyền thống phụ nữ Việt Nam, Nxb Văn hóa - dân tộc, Hà Nội.
4. Hồ Chí Minh (1995), Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
5. Hồ Chí Minh (1995), Toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
Nguyễn Đức Khiêm - Tổ lý luận chính trị
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a







Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Ý kiến bạn đọc