Trang nhất » Tin Tức » Văn hoá xã hội

Đổi mới kiểm tra đánh giá học sinh phổ thông theo cách tiếp cận năng lực

Thứ hai - 28/12/2015 04:38
Đổi mới kiểm tra đánh giá học sinh phổ thông theo cách tiếp cận năng lực

Đổi mới kiểm tra đánh giá học sinh phổ thông theo cách tiếp cận năng lực

PGS.TS. Nguyễn Công Khanh Giám đốc trung tâm ĐBCLGD&KT, Trường ĐNSPHN


1. Vai trò của kiểm tra đánh giá học sinh trong qua trình dạy và học
Muốn đổi mới căn bản toàn diện chương trình, SGK phổ thông từ năm 2015 theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT, thì “mắt xích” cần phải tập trung, nỗ lực nhiều nhất, đầu tư nhiều thời gian, trí tuệ, tiền bạc nhất chính là khâu đổi mới cách thức kiểm tra đánh giá học sinh. Trước hết chúng ta phải hiểu kiểm tra đánh là bộ phận không thể tách rời của quá trình dạy học bởi đối với người giáo viên, khi tiến hành quá trình dạy học phải xác định rõ mục tiêu của bài học, nội dung và phương pháp cũng như kỹ thuật tổ chức quá trình dạy học sao cho hiệu quả. Muốn biết có hiệu quả hay không, người giáo viên phải thu thập thông tin phản hồi từ học sinh để đánh giá và qua đó điều chỉnh phương pháp dạy, kỹ thuật dạy của mình và giúp học sinh điều chỉnh các phương pháp học. Như vậy, kiểm tra đánh giá là bộ phận không thể tách rời của quá trình dạy học và có thể nói kiểm tra đánh giá là động lực để thúc đẩy sự đổi mới quá trình dạy và học.
Đổi mới kiểm tra đánh giá sẽ là động lực thúc đẩy các quá trình khác như đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới cách thức tổ chức hoạt động dạy học, đổi mới quản lý…. Nếu thực hiện được việc kiểm tra đánh giá hướng vào đánh giá quá trình, giúp phát triển năng lực người học, thì lúc đó quá trình dạy học trở nên tích cực hơn rất nhiều. Quá trình đó sẽ nhắm đến mục tiêu xa hơn, đó là nuôi dưỡng hứng thú học đường, tạo sự tự giác trong học tập và quan trọng hơn là gieo vào lòng học sinh sự tự tin, niềm tin “người khác làm được mình cũng sẽ làm được”… Điều này vô cùng quan trọng để tạo ra mã số thành công của mỗi học sinh trong tương lai.
Tại sao người ta nói kiểm tra đánh giá rất quan trọng và kiểm tra đánh giá thế nào thì việc dạy học sẽ bị lái theo cái đó. Nếu chúng ta chỉ tập trung đánh giá kết quả như một sản phẩm cuối cùng của quá trình dạy và học, thì học sinh chỉ tập trung vào những gì GV ôn và tập trung vào những trọng tâm GV nhấn mạnh, thậm chí những dạng bài tập GV cho trước… học sinh chỉ việc thay số trong bài toán mẫu, bắt trước câu văn mẫu … để đạt được điểm số tối đa theo mong muốn của thầy/cô giáo. Và như vậy, kiểm tra đánh giá đã biến hình không còn theo đúng nghĩa của nó. Bởi khi xây dựng chương trình, người ta cần làm rõ triết lý kiểm tra đánh giá… tức là xác định rõ mục tiêu của kiểm tra đánh giá là gì? Kiểm tra đánh giá xem học sinh có đạt mục tiêu học tập, giáo dục, có đạt được kết quả mong đợi theo chuẩn? Và sử dụng kết quả kiểm tra đó để làm gì? Làm thế nào để GV cải tiến nâng cao chất lượng quá trình dạy và học nếu không có đánh giá phản hồi từ học sinh?
2. Thực trạng kiểm tra đánh giá học sinh tại các trường phổ thông hiện nay
          - Những yếu điểm của kiểm tra đánh giá học sinh trong giáo dục phổ thông hiện nay ?
Điểm yếu nhất của kiểm tra đánh giá giáo dục phổ thông hiện nay là chưa xác định rõ triết lý đánh giá: đánh giá để làm gì, tại sao phải đánh giá, đánh giá nhằm thúc đẩy, hình thành khả năng gì ở học sinh?...
Đánh giá trước hết phải vì sự tiến bộ của học sinh, giúp học sinh nhận ra mình đang ở đâu trên con đường đạt đến mục tiêu bài học/chuẩn kiến thức, kỹ năng… Đánh giá không làm học sinh lo sợ, bị thương tổn, mất tự tin. Đánh giá phải diễn ra trong suốt quá trình dạy học, giúp học sinh liên tục được phản hồi để biết mình mắc lỗi, thiếu hoặc yếu ở điểm nào để cả giáo viên và học sinh cùng điều chỉnh hoạt động dạy và học. Đánh giá phải tạo ra sự phát triển, phải nâng cao năng lực của người học, tức là giúp các em hình thành khả năng tự đánh giá, đánh giá lẫn nhau… để phát triển năng lực tự học. Hiện nay rất nhiều giáo viên, các cán bộ quản lý giáo dục chưa thấu hiểu triết lý đánh giá, chủ yếu mới chỉ tập trung vào đánh giá kết quả học tập, để xếp loại học sinh…Giáo viên cũng gặp rất nhiều khó khăn khi phải đánh giá các hoạt động giáo dục (không biết đánh giá các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, đánh giá đạo đức, giá trị sống, kỹ năng sống như thế nào…). Nếu đánh giá chỉ là kiểm tra sự học thuộc bài (ghi nhớ), làm lại theo các kiểu, dạng bài mẫu thầy đã cho… sẽ triệt tiêu sự phát triển, sự nỗ lực vươn lên ở người học.
Điểm yếu khác trong đánh giá học sinh hiện tại là đánh giá (chấm điểm) mà không có sự phản hồi cho học sinh. Cô chấm bài kiểm tra, thường chỉ cho điểm hoặc chỉ phê “sai”, “làm lại” hay chỉ viết ký hiệu sai hay ký hiệu đúng chứ chưa giải thích được rõ cho học sinh biết tại sao sai, sai như thế nào. Một số GV chấm bài có sự phản hồi nhưng phản hồi không đủ, phản hồi tiêu cực, không mang tính xây dựng (Vi dụ, GV phê: làm sai, làm ẩu, không hiểu…làm học sinh mất niềm tin, không có động lực để sửa lỗi), làm cho người học chán nản… Khi phản hồi của GV đối với bài làm của HS mang sắc thái xúc cảm âm tính, tiêu cực, có thể làm học sinh xấu hổ, mất tự tin. Bên cạnh đó, nếu GV có phản hồi chung (chữa bài kiểm tra trên lớp) lại thường đưa ra lời giải đúng theo cách tư duy “áp đặt” của GV, mà không giúp phân tích mổ sẻ những cách tư duy chưa phù hợp của học sinh dẫn đến sự sai sót. Đánh giá lại khuôn vào một số kiểu loại bài toán, dạng bài văn, không nhằm bộc lộ năng lực suy nghĩ, sự trải nghiệm đa dạng, phong phú của người học, tức tập trung vào một số kiểu đề thi và chỉ để đáp ứng các kỳ thi, điều này làm cho quá trình dạy học bị bóp méo chỉ để phục vụ mục đích thi cử, nên mới xảy ra hiện tượng mọi học sinh “muốn thi đỗ phải đến lớp luyện thi” nhưng thi xong chẳng còn nhớ gì hết.
Một trong những điểm yếu nữa là hiện nay, giáo viên sử dụng hầu như rất hạn chế các hình thức đánh giá mới, hiện đại, phần lớn những đánh giá GV đang sử dụng có tính truyền 3 thống: dựa vào viết luận, làm các bàì tập như kiểm tra 15 phút, 1 tiết… , và thông qua một số câu hỏi trắc nghiệm hoặc tự luận mà chính giáo viên cũng không rõ mình định đánh giá kỹ năng hay năng lực gì ở học sinh. Khi giáo viên chưa đa dạng hóa các kiểu đánh giá sẽ làm cho hoạt động học tập trở nên nhàm chán, sẽ khó phát triển các năng lực bậc cao ở người học (như năng lực giải quyết vấn đề, năng lực tư duy sáng tạo…). Trong khi đó, yêu cầu của đổi mới kiểm tra đánh giá là phải áp dụng đa dạng các hình thức đánh giá: đánh giá bằng trắc nghiệm, bằng kiểm tra viết kiểu tự luận, vấn đáp… đánh giá thông qua sản phẩm, qua hồ sơ học sinh, qua thuyết trình/trình bày, thông qua tương tác nhóm, thông qua các sản phẩm của nhóm…, đánh giá bằng các tình huống bài tập, các hình thức tiểu luận, …, thì giáo viên chưa làm được vì chưa được đào tạo.
 - Triết lý đánh giá… vì sự tiến bộ của học sinh
Khi nói đến mục tiêu kiểm tra đánh giá, trước hết người ta nhận thấy kiểm tra đánh giá là một phần không thể thiếu được của quá trình dạy học thì ít nhất nó phải vì sự tiến bộ của học sinh. Kiểm tra đánh giá vì sự tiến bộ nghĩa là cung cấp những thông tin phản hồi giúp học sinh biết mình tiến bộ đến đâu, những mảng kiến thức/kỹ năng nào có sự tiến bộ, mảng kiến thức/kỹ năng nào còn yếu để điều chỉnh quá trình dạy và học. Và khi nói đến đánh giá là vì sự tiến bộ của học sinh thì đánh giá phải làm sao để học sinh không sợ hãi, không bị thương tổn để thúc dẩy học sinh nỗ lực. Đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh còn có nghĩa là sự đánh giá phải diễn ra trong suốt quá trình dạy - học, giúp học sinh so sánh phát hiện mình thay đổi thế nào trên con đường đạt mục tiêu học tập của cá nhân đã đặt ra. Thứ hai cần nhận thức rằng đánh giá là một quá trình học tập, đánh giá diễn ra trong suốt quá trình dạy và học. Không chỉ giáo viên biết cách thức, các kỹ thuật đánh giá học sinh mà quan trọng không kém là học sinh phải học được cách đánh giá của giáo viên, phải biết đánh giá lẫn nhau và biết tự đánh giá kết quả học tập rèn luyện của chính mình. Có như vậy, học sinh mới tự phản hồi với bản thân xem kết quả học tập, rèn luyện của mình đạt mức nào/đến đâu so với yêu cầu, tốt hay chưa tốt như thế nào. Với cách hiểu đánh giá ấy mới giúp hình thành năng lực của học sinh, cái mà chúng ta đang rất mong muốn. Thứ ba, đánh giá phải lượng giá chính xác, khách quan kết quả học tập, chỉ ra được học sinh đạt được ở mức độ nào so với mục tiêu, chuẩn đã đề ra. Sau khi học sinh kết thúc một giai đoạn học thì tổ chức đánh giá, để giáo viên biết được những kiến thức mình dạy, học sinh đã làm chủ được kiến thức, kỹ năng ở phần nào và phần nào còn hổng… Tất cả cách hiểu trên đây chính là triết lý của đánh giá, cũng là chức năng, mục tiêu của đánh giá.
- Những khó khăn hay bất cập trong kiểm tra đánh giá học sinh hiện nay nên hiểu thế nào để tìm cách khắc phục
Thực tế việc triển khai ứng dụng đổi mới kiểm tra đánh giá ở các trường phổ thông còn gặp rất nhiều khó khăn. Bởi vì thứ nhất là tính ì của giáo viên, từ trước đến nay vì họ thường kiểm tra đánh giá dựa trên những kinh nghiệm, họ soạn câu hỏi kiểm tra miệng, hay bài kiểm tra 15 phút, bài thi 1 tiết hoặc học kỳ phần lớn dựa trên kinh nghiệm. Giáo viên thường ra đề kiểm tra, đề thi dựa trên theo lối mòn (kinh nghiệm, thói quen…) mà ít khi để ý đến cơ sở khoa học, tính quy chuẩn của việc thiết đề thi hay đề kiểm tra. Các đề thi/kiểm tra chủ yếu là nhằm đánh giá việc nhớ, hiểu kiến thức, kỹ năng thực hành, mà ít chú ý đánh giá khả năng học sinh vận dụng kiến thức vào giải quyết các tình huống trong thực tiễn đời sống, ít chú ý đến việc đánh giá năng lực người học theo chuẩn mong đợi. Giáo viên chọn kiểu câu hỏi, cách thức ra đề thi đánh giá học sinh chủ yếu do bắt trước những đề mẫu, theo “sách”… mà ít khi để ý đến mục tiêu đo lường, đánh giá, ít khi suy nghĩ về cơ sở khoa học của việc ra đề thi hay đề kiểm tra là nhằm kiểm tra kiến thức, kỹ năng gì, đặc biệt là kiểm tra năng lực gì trong đó, họ không định hình rõ ràng. Chính vậy họ sưu tầm một số đề họ thấy “hay” trong sách GK hay sách tham khảo, trên cơ sở đó bắt chước cách làm. Còn các kiến thức được tập huấn về thiết kế đề thi như thế nào cho khoa học, xây dựng bảng trọng số, viết item thế nào… nhiều lúc còn mới lạ với họ. Họ không đủ thời gian để làm những cái đó, mặt khác họ cũng không được các cấp quản lý như sở, phòng, BGH, tổ bộ môn hỗ trợ về thời gian, kinh phí, cũng như bồi dưỡng cho họ các kỹ thuật để họ biết cách xây dựng các đề kiểm tra, đề thi... theo một quy trình, dựa trên cơ sở khoa học đo lường và đánh giá.
Điểm nữa là, sau mỗi bài kiểm tra/ kỳ thi, giáo viên thường chỉ quan tâm đến điểm số của học sinh để lên bảng điểm, xếp loại, đánh giá, chứ không nghĩ rằng cần phân tích đánh giá chất lượng các đề kiểm tra/thi để rút kinh nghiệm…đồng thời xem xét chúng giúp phát hiện những thiếu hụt gì ở học sinh, để điều chỉnh hoạt động dạy và học. Nhiều giáo viên chỉ quan tâm, kiểm tra đánh giá để có điểm, thực hiện yêu cầu theo quy chế…mà quên rằng kiểm tra đánh giá còn có nhiều chức năng khác… Như vậy, hiểu biết của giáo viên về triết lý, các phương pháp, kỹ thuật, hình thức kiểm tra đánh giá còn nghèo nàn, nhiều giáo viên qua phỏng vấn, khảo sát của chúng tôi còn hiểu một cách lơ mơ về kiểm tra đánh giá, nghĩa là chỉ hiểu kiểm tra đánh giá tập trung đánh giá kết quả học tập (chính xác hơn là tập trung tìm hiểu, đánh giá mức độ tiếp thu bài của học sinh), có kết quả để xếp loại học sinh để báo cáo lãnh đạo, vào bảng điểm chứ họ không hiểu được các chức năng, triết lý đánh giá.
 3. Làm thế nào để đổi mới kiểm tra đánh giá học sinh theo cách tiếp cận năng lực
 Giải pháp cho vấn đề này là tìm mọi cách nâng cao hiểu biết của các cấp quản lý giáo dục và đặc biệt là GV về triết lý đánh giá. Trước hết phải bắt đầu từ chính trong ý thức của 5 giáo viên và CBQL. Nếu hiểu đó là vấn đề sống còn, vì lợi ích của học sinh, vì tương lai của nhà trường thì CBQL, GV mới nỗ lực để đổi mới kiểm tra đánh giá theo cách tiếp cận năng lực. Đây là vấn đề khó, đòi hỏi phải có thời gian. Giáo viên phải được tập huấn về đổi mới kiểm tra đánh giá theo cách tiếp cận năng lực là thế nào? tập trung đánh giá những năng lực cốt lõi nào? Chẳng hạn các bài kiểm tra thiết kế thế nào để đánh giá được các năng lực tư duy bậc cao của học sinh (tư duy sáng tạo, năng lực giải quyết vấn đề…). Giáo viên đang thiếu động lực để đổi mới kiểm tra đánh giá? Các nhà quản lý giáo dục phải nỗ lực bằng những chính sách, chế tài… để thúc đẩy giáo viên đổi mới kiểm tra đánh giá.
Các cấp quản lý phải làm mọi cách giúp GV hiểu được triết lý về đánh giá: (1) đánh giá phải vì sự tiến bộ của học sinh; (2) đánh giá là quá trình học tập; và (3) đánh giá về kết quả học tập, giáo dục. Đánh là một khoa học, đánh giá đòi hỏi người giáo viên phải có kỹ năng, kiến thức, làm chủ được quá trình đánh giá và phải sử dụng nhiều công cụ, nhiều phương pháp, nhiều hình thức đánh giá khác nhau để đánh giá. Phương pháp đánh giá càng đa dạng thì mức độ chính xác trong đánh giá càng cao vì phản ánh khách quan tốt hơn. Và trong quá trình đánh giá như vậy, bản thân người giáo viên sẽ nâng cao được năng lực dạy học nói chung, năng lực đánh giá học sinh nói riêng.
Tập trung bồi dưỡng GV các các phương pháp, kỹ thuật, hình thức đánh giá mới. từng bước thay đổi thói quen của GV, hướng dẫn họ cách thức ra đề thi, kiểm tra theo kiểu mở, theo cách tiếp cận năng lực, tránh khuôn vào những kiểu bài toán, dạng bài văn “mẫu”, tức chỉ tập trung vào một số kiểu nhất định (mẫu) nhằm đáp ứng các kỳ thi. Nếu đổi mới kiểm tra đánh giá theo triết lý đã đề cập ở trên sẽ không xảy ra hiện tượng luyện thi tràn lan, vì nó tập trung vào người học, tập trung vào những kiến thức, kỹ năng giúp học sinh hình thành năng lực và diễn ra trong suốt quá trình học, hơn là tập trung luyện kiến thức, kỹ năng phục vụ mục đích thi đậu. Phải khuyến khích GV áp dụng đa dạng các hình thức đánh giá, đánh giá bằng trắc nghiệm, bằng kiểm tra viết tự luận, đánh giá bằng sản phẩm, bằng hồ sơ học sinh, bằng trình bày miệng, thảo luận/ tranh luận thông qua tương tác của nhóm, thông qua các sản phẩm của nhóm…
Giáo viên phải tổ chức, hướng dẫn để học sinh biết cách tự đánh giá, học sinh được đánh giá lẫn nhau, mọi sự đổi mới kiểm tra đánh giá phải làm cho học sinh tích cực hơn, nỗ lực hơn và phải dẫn đến sự biến đổi ở người học (không chỉ là làm chủ kiến thức, kỹ năng… mà quan trọng hơn thay đổi cả thái độ, niềm tin). CBQL, GV, cha me học sinh cần nhất quán: học để phát triển các kỹ năng, hình thành hứng thú, sự tự tin… chứ không phải học vì điểm số. GV phải hình thành ở học sinh khả năng tự kiểm tra, tự đánh giá. Giáo viên giúp học sinh hiểu rõ nhiệm vụ và có thể tự mình tổ chức các hoạt động học của mình dưới dự hướng dẫn. Giáo viên phải chọn lựa kỹ thuật và phương pháp giảng dạy ở trên lớp để 6 kích thích học sinh chủ động chiếm lĩnh tri thức. Quá trình tổ chức dạy học ấy, GV tôn trọng sự khác biệt, khuyến khích học sinh phải nỗ lực khám phá tri thức theo cách riêng của mình, kinh nghiệm riêng của mình, bởi mỗi học sinh học theo những phong cách khác nhau. Có em học thụ động, có em chủ động, những em thông minh hơn ở lĩnh vực ngôn ngữ, có em thông minh hơn ở linh vực tính toán suy luận logic… Nhiệm vụ của giáo viên là tổ chức hướng dẫn để học sinh thể hiện bộc lộc, làm sao để mỗi học sinh nói ra những suy nghĩ (trân trọng mọi suy nghĩ dù đúng hay sai), tạo mọi cơ hội để HS nêu câu hỏi/thắc mắc, tranh luận với GV… và được trải nghiệm các tình huống thực tiễn để thực hành những điều mình học. HS nhận ra những điểm mình còn đang thiếu, những sai sót thông qua phản hồi, đánh giá. Và đặc biệt nữa là học sinh phải tương tác với nhau để được thể hiện mình, nuôi dưỡng hứng thú, sự tự tin. Thông qua tương tác (đưa câu hỏi, thảo luận nhóm…) từ đó GV mới phát hiện được đâu là lỗi/ thiếu sót trong quá trình tư duy, lập luận, biết được trong đầu HS đang nghĩ gì. Đấy chính là cách dạy học dựa trên tiếp cận quá trình và dựa trên tiếp cận quá trình thì sẽ hỗ trợ quá trình hình thành năng lực học của học sinh. Và năng lực học ấy sẽ theo học sinh suốt đời, người ta gọi là năng lực học suốt đời. Đấy mới chính là năng lực cần đạt ở học sinh khi kết thúc chương trình phổ thông.
- Xu hướng của thế giới trong việc định hướng xây dựng chương trình… đổi mới kiểm tra đánh giá?
Giáo dục của chúng ta trong một thời gian dài được xây dựng theo hướng tiếp cận mục tiêu, tập trung quá nhiều vào các nội dung kiến thức. Khi xây dựng chương trình quá xem trọng mục tiêu và định hướng theo nội dung, kiến thức thì sẽ có xu hướng xem mục tiêu nào, nội dung nào cũng quan trọng. Kết quả là sẽ đưa thêm nhiều mục tiêu, nhiều nội dung vào, khi đó giáo dục phổ thông sẽ bị quá tải. Khi quá tải rồi, giáo viên chỉ còn đủ thời gian truyền thụ tri thức (thậm chí không đủ thời gian để truyền thụ hết các nội dung), lúc đó không có điều kiện áp dụng đổi mới phương pháp.
Xu hướng chung của thế giới hiện nay là chuyển từ dạy học tập trung vào mục tiêu, nội dung chương trình sang tập trung vào việc tổ chức quá trình dạy và học nhằm hình thành năng lực cho học sinh. Khi chương trình được xây dựng theo cách tiếp cận hình thành năng lực, thì người ta không quá xem trọng các tri thức nữa mà xem trọng phương pháp, hình thức tổ chức dạy và học. Giáo viên cần được huấn luyện để biết cách tạo tình huống, tạo môi trường tương tác thân thiện tích cực, giúp mọi học sinh đều có cơ hội bày tỏ quan điểm cá nhân, tranh luận, phản biện… nhờ đó tích cực hóa học sinh, nuôi dưỡng hứng thú, tự tin của các em . Một giờ dạy/bài học thành công là GV phải làm sao để từ học sinh kém, trung bình, khá đến học sinh giỏi đều được kích hoạt, khám phá, trải nghiệm… và kết thúc một giờ học/bài học mỗi học sinh đều thu nhận được ở góc độ của mình, đều tự biến đổi bản thân.
Xu hướng không quá coi trọng nội dung kiến thức trong quá trình dạy và học (có cơ sở khoa học: do những nội dung kiến thức đã có trong sách giáo khoa, trong nhiều tài liệu tham khảo mà học sinh có thể tự tìm kiếm thông qua các kênh thông tin hỗ trợ học đường khác, như sách tham khảo, internet, băng hình…), mà chuyển trọng tâm sang quá trình tổ chức hoạt động dạy và học, đánh giá học sinh. Vậy điều quan trọng nhất trong quá trình dạy học trên lớp chính là các phương pháp và các kỹ thuật/nghệ thuật giảng dạy, phương pháp đánh giá của người thầy giáo, làm sao tích cực hóa được học sinh, không phải là giúp các em học thuộc mà là tư duy (suy nghĩ, nghĩ về cách suy nghĩ, tư duy phản biện, tư duy sáng tạo…giải quyết vấn đề). Phương pháp/chiến lược hay kỹ thuật giảng dạy trên lớp, giáo viên phải suy nghĩ/ chọn lựa làm sao phù hợp với bài học, đối tượng học sinh và có sự phối hợp các phương pháp/kỹ thuật giảng dạy một cách nhuần nhuyễn thế nào đó để đạt hiệu quả… với lượng thời gian ít ỏi trên lớp như thế GV không bị cháy giáo án mà vẫn có thể đạt được mục tiêu và đồng thời bằng phương pháp ấy kích thích học sinh tự học và tích cực hóa học sinh trong quá trình học.
- Dạy học tích cực và đánh giá tích cực liên quan đến nhau thế nào?
Đổi mới kiểm tra đánh giá có hướng đến thức đẩy quá trình dạy học tích cực? Vì người ta định nghĩa quá trình học là quá trình chuyển đổi/biến đổi có tính mục đích mà ở đó giáo viên có thể truyền thụ những tri thức, kỹ năng… nhưng quan trọng nhất là tổ chức cho học sinh thực hiện những hoạt động và trên cơ sở những hoạt động ấy làm cho học sinh khám phá, trải nghiệm, tương tác, để rồi làm chủ được những tri thức, kỹ năng và thay đổi thái độ, tạo dựng được hứng thú, niềm tin và trên cơ sở đó là biến đổi chính chủ thể là người học. Dạy học tích cực phải hình thành ở người học năng lực quan sát, thu thập thông tin, năng lực tự đánh giá, năng lực phát hiện, giải quyết vấn đề, năng lực giao tiếp, năng lực trình bày miệng, năng lực tạo ra sản phẩm… Tuy nhiên tất cả các năng lực ấy đều phải được thể hiện, phản hồi trong quá trình đánh giá. Nếu nhìn nhận theo góc độ như vậy thì việc đổi mới quá trình kiểm tra đánh giá là vô cùng quan trọng, nó sẽ là hạt nhân quy chiếu toàn bộ quá trình dạy học và quy chiếu toàn bộ quá trình đổi mới chương trình sách giáo khoa, bởi vì chỉ cần tập trung đổi mới quá trình kiểm tra đánh giá thì các quá trình khác buộc phải thay đổi theo.
- Làm thế nào để CBQL, GV thấu hiểu triết lý đánh giá và vận dụng thành công ở các nhà trường phổ thông?
GV tuân thủ triết lý của đánh giá là đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh, cho nên đánh giá thế nào đó để học sinh không nản, không bị thương tổn.. Vì vậy GV giảm tối đa việc cho học sinh điểm kém, điểm liệt (nhất là học sinh tiểu học). Nếu HS làm bài kém, kém toán… GV cần tìm hiều kỹ các nguyên nhân ẩn sau hiện tượng đó. Xu hướng không cho điểm kém, đưa ra những lời phê nhẹ nhàng hoặc đánh giá bằng những nhận xét có tính xây dựng hướng học sinh đến việc sửa lỗi (VD: không nhận xét: “viết xấu/viết ẩu… viết lại” mà thay bằng: “viết chưa đẹp… cần luyện tập nhiều hơn”. Thứ hai người ta để hoạt động kiểm tra đánh giá diễn ra trong suốt quá trình dạy học, khi bắt đầu dạy và học người ta đã nói cách thức kiểm tra đánh giá thế nào để cho học sinh chủ động đáp ứng yêu cầu kiểm tra đánh giá. Thứ ba, kiểm tra đánh giá diễn ra dưới rất nhiều hình thức, dưới dạng trò chơi, các bài tập về nhà, bài luận ngắn, bài xemina… để đánh giá tập trung vào lượng giá cho được các năng lực thành phần hay những kỹ năng thành phần. Ví dụ kỹ năng khám phá tìm kiếm thông tin, kỹ năng xử lý thông tin, năng lực đưa ra những lời nhận xét, năng lực đánh giá lẫn nhau, năng lực sáng tạo, năng lực nghĩ về cách suy nghĩ… Tóm lại người ta tìm ra những kỹ năng, năng lực bộ phận cấu thành nên sự thành công cho người học trong tương lai để lồng vào các bài kiểm tra, bài thi, bài tập về nhà hay thể hiện qua sản phẩm của người học. Và GV cần đa dạng hóa tối đa các hình thức đánh giá như đánh giá bằng nhận xét “tích cực” (còn gọi là “kỷ luật không nước mắt”), đánh giá qua hồ sơ, bằng sản phẩm của chính học sinh… đánh giá xác thực (sử dụng các tình huống có tính mục đích, mô phỏng từ thực tiễn cuộc sống…) cho phép những cái đó thay thế hoặc bổ sung vào các hình thức đánh giá hiện đang áp dụng kiểu như bài kiểm tra 15 phút, kiểm tra miệng, 1 tiết.
Không chỉ có thế, GV cần được hướng dẫn kỹ các lý thuyết dạy học tích cực với các hình thức đánh giá đa dạng: thông qua trò chơi, yêu cầu học sinh suy nghĩ trả lời ngắn, trải nghiệm, đánh giá bằng việc cho học sinh viết ra những suy nghĩ, nhận xét, mô tả các cảm xúc (tập trung vào các cảm xúc tích cực), viết bài luận ngắn để thuyết trình… Và phương pháp, kỹ thuật, hình thức đánh giá học sinh càng đa dạng, học sinh càng hứng thú, tự tin trong học tập. Xu hướng này sẽ làm một cuộc cách mạng đối với nhà trường, là người quản lý phải hiểu những cái đó mới quản lý được, người giáo viên phải làm chủ được kỹ thuật đó thì họ mới có cơ hội thể hiện nó, áp dụng nó một cách linh hoạt trong các tình huống học đường. Sẽ phải mất nhiều thời gian và công sức tiền bạc hơn cho quá trình thay đổi việc kiểm tra đánh giá vì thực chất đánh giá là văn hóa. Điều quan trọng là các cấp quản lý cần hiều rõ hiểu đánh giá theo cách tiếp cận năng lực là thế nào. Đánh giá tập trung thúc đẩy sự tiến bộ của học sinh, đánh giá coi trọng quá trình, đánh giá nhằm vào năng lực thực hiện của người học và kết quả sẽ được kiểm tra bằng việc người học sẽ được thay đổi đến đâu, có khả năng vận dụng những điều đã học vào giải quyết những vấn đề của thực tiễn cuộc sống thế nào. Trước mắt có thể chọn những vấn đề cần tập trung ngay, thứ nhất là khâu bồi dưỡng cho giáo viên, CBQL về đổi mới kiểm tra, đánh giá là có thể làm được ngay; bày cho họ một số phương pháp, hình thức kiểm tra đánh giá mới theo cách tiếp cận năng lực mà họ có thể thực hiện được không quá khó (chẳng hạn các môn tiếng Việt/văn có thể sử dụng những đề theo kiểu mở…).
Khi các nhà quản lý giáo dục, giáo viên hiểu được triết lý và tầm quan trọng của đổi mới đánh giá giáo dục, hướng quá trình kiểm tra đánh giá vào phát hiện các năng lực của người học và kiểm tra đánh giá quá trình thay vì chỉ kiểm tra đánh giá kết quả (ghi nhớ, học thuộc, làm theo bài mẫu, làm theo cách của thầy…), thì lúc đó quá trình dạy học trở nên tích cực hơn rất nhiều và quá trình dạy học đó sẽ nhằm đến mục tiêu xa hơn như là nuôi dưỡng hứng thú học đường, tạo sự tự giác trong học tập. Và quan trọng hơn là gieo vào lòng học sinh niềm tin, tôi có năng lực gì, việc học giúp gì cho tôi trong tương lai và quá trình đó vô cùng quan trọng để tạo ra mã số thành công của học sinh trong tương lai. Vì người học sinh học xong trường phổ thông vào đời muốn thành công trước hết phải hiểu rõ mình có những khả năng/ năng lực gì, phải biết cách xác định mục tiêu, phải xác định được một nhóm các năng lực nhận thức như trí thông minh, trí sáng tạo, … một nhóm các năng lực phi nhận thức như sự tự tin, khả năng vượt khó, tính độc lập…là sống còn với mình, bằng cách nào để tự phát triển chúng, để trên cơ sở đó hoạch định thời gian, chọn lực những mục tiêu trong cuộc sống …
- Đổi mới cách kiểm tra đánh giá sau 2015, hạt nhân quan trọng nhất là gì?
Khó khăn lớn nhất trong chu kỳ tới muốn đổi mới căn bản toàn diện chương trình sách giáo khoa phổ thông năm 2015 thì khâu cần phải tập trung nỗ lực nhiều nhất, đầu tư nhiều thời gian tiền bạc nhất chính là khâu đổi mới cách kiểm tra đánh giá, làm sao trang bị cho giáo viên nhiều thủ pháp trong đánh giá và họ có động lực trong quá trình đổi mới kiểm tra đánh giá và phải bồi dưỡng, tập huấn cho CBQL, GV việc kiểm tra đánh giá hướng đến việc phát triển năng lực người học, đánh giá hướng vào chuẩn đầu ra.
Đổi mới kiểm tra đánh giá cần đặt trong định hướng đổi mới chương trình, sách giáo khoa sau 2015 và theo hướng đầu tư nhiều hơn cho đánh giá quá trình và tập trung vào đánh giá năng lực của người học và đặc biệt phải chú trọng đến đánh giá hiệu quả các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp nữa. Trong giai đoạn vừa rồi, người ta chủ yếu đánh giá dựa trên kết quả học tập, thực chất là những kiến thức liên quan đến bài học thôi. Nhưng phải làm sao đánh giá được những hoạt động giáo dục, ví dụ hoạt động giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống,.. Điều đó đòi hỏi người giáo viên phải làm chủ kỹ năng đánh giá, hiện tại đây là điểm yếu rất lớn của đa số giáo viên.
Hiện nay ở các trường người ta vẫn nói rằng kiểm tra đánh giá để biết học sinh tiến bộ đến đâu, đạt được kết quả thế nào so với chuẩn kiến thức kỹ năng. Nhưng thực chất họ mới chỉ áp dụng hạn chế một số phương pháp, hình thức kiểm tra đánh giá, tập trung vào kết quả học tập, chứ chưa đa dạng hóa các hình thức, phương pháp đánh giá. Họ cũng nói là đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh nhưng thực chất chỉ là xếp loại học sinh thôi. Còn nếu vì sự tiến bộ của học sinh thì phải chú trọng đến khâu phản hồi, nhưng đánh giá cuối kỳ còn 10 phản hồi thế nào được nữa. Hay là đánh giá xong cô chỉ chấm điểm và viết vào nhận xét rất ngắn là đúng hay sai, chẳng hạn mà không dành nhiều thời gian cho việc phản hồi. Một số GV chữa bài cũng là phản hồi nhưng GV chỉ đưa ra đáp số hoặc một cách giải đúng theo suy nghĩ của GV, mà không giúp học sinh tự phát hiện mình sai ở chỗ nào? Có những lỗi nào trong quá trình hiểu vấn đề sai của các nhóm học sinh.
Khi được đào tạo ở Úc, tôi vẫn nhớ cách GV giúp học sinh phát hiện ra các lỗi trong nhận thức, thái độ, hành vi… và sử dụng tương tác nhóm để điều chỉnh những nhận thức, thái độ, hành vi không phù hợp. VD, họ đưa ra tình huống, chiếu đoạn video rất ngắn về xã hội loài kiến, sau đó chiếu một tình huống có một cậu bé đứng dưới gốc cây, phát hiện dưới chân mình có một tổ kiến và có một con kiến đang giơ càng lên, con kiến nhìn cậu bé, cậu bé nhìn con kiến và đặt ra 4 câu hỏi: cậu bé nghĩ gì, con kiến nghĩ gì; cậu bé làm gì, con kiến làm gì? GV chia học sinh thành các nhóm nhỏ (4-6 học sinh) để thảo luận về 2 câu hỏi đầu. Học sinh được khuyến khích nói ra những suy nghĩ của cá nhân… quá trình nói ra, sau đó nhóm thảo luận, tranh luận, giáo viên biết học sinh suy nghĩ đúng hay sai. Học sinh được tranh luận về các ý nghĩ, phát huy tối đa sự sáng tạo trong ý tưởng. Trên cơ sở đó GV biết học sinh mình đang nghĩ gì. Sau đó GV yêu cầu học sinh thảo luận hai câu hỏi tiếp theo: là cậu bé làm gì, con kiến hành động thế nào? để từ ý nghĩ kết nối đến hành động và cuối cùng trong chính quá trình tranh cãi/ tranh luận học sinh vỡ ra rất nhiều điều và được trải nghiệm những tương tác. Kết quả là đại diện mỗi nhóm viết lên ý nghĩ của cậu bé, của con kiến, báo cáo trước lớp. Trong khoảng 1 tiếng, có rất nhiều phản hồi , cô quan sát học sinh hoạt động thế nào, tích cực đến đâu và kết quả 1 giờ học là dạy học theo hướng tiếp cận quá trình và phát triển năng lực của người học. Bởi thông qua trao đối trong nhóm đã làm thay đổi những suy nghĩ, hành vi của mỗi học sinh, trên cơ sở những suy nghĩ ban đầu có thể sai lầm nhưng qua tương tác đã vô hình dung tạo tình huống để học sinh có sự tiếp nhận, dẫn đến thay đổi những suy nghĩ, hành vi của mình. Cô đánh giá theo kiểu động viên, tích cực. Giờ học này tích hợp được rất nhiều thứ, chứa đựng trong đó cả phương pháp, cả những triết lý dạy học, đánh giá theo cách tiếp cận năng lực trong đó.
 - Cách kiểm tra đánh giá nên thay đổi như thế nào để tăng hứng thú của học sinh (chẳng hạn, một số môn học nhiều học sinh sợ như Văn học, Lịch sử…)?
Định hướng chung của việc đổi mới ra đề thi theo hướng các đề thi dần dần sẽ dành một thời lượng đáng kể và dành một khối lượng đáng kể cho những câu hỏi đánh giá năng lực của người học. Thiết kế đề thi kiểu câu hỏi mở: đề thi vào lớp 10, đề thi tốt nghiệp phổ thông để tránh học sinh học tủ/luyện thi. Đặc biệt là đề thi tuyển sinh ĐH, người ta có xu hướng bám các chương trình lớp 11, 12 chủ yếu là lớp 12 nhưng phải phổ được trên diện rộng để học sinh bớt học tủ. Đó là xu hướng thiết kế các đề thi trắc nghiệm. Nhưng đồng 11 thời người ta cũng phải dành một khối lượng tri thức không liên quan trực tiếp đến một chương cụ thể nào trong sách giáo khoa, mà liên quan đến trải nghiệm của người học dưới góc độ tư duy, để gia tăng mức độ phân hóa trong quá trình đánh giá. Ví dụ đó là những năng lực suy luận, năng lực sáng tạo. Mà năng lực suy luận, năng lực sáng tạo không phải dựa trên một bài học hay bài toán rất cụ thể mà đôi lúc các bài toán ấy là những bài toán của đời thường, bài toán của tình huống được mô phỏng từ thực tiễn.
Chúng tôi đã có những lớp tập huấn, hướng dẫn và gợi ý để một số GV ra đề thi mở: VD: Bạn cho rằng người bạn thực sự khác gì với người bạn bình thường và có người nói “một muỗng của sự chia sẻ, hai muỗng của sự quan tâm, một muỗng của sự tha thứ, tất cả những thứ ấy trộn lại với nhau có thể tạo ra người bạn mãi mãi”. Bạn có ý kiến bình luận gì về câu nói này? Hoặc bằng những trải nghiệm của cá nhân bạn có thể đưa ra một “công thức” về tình bạn của riêng mình và viết một bài luận sử dung những lý lẽ, hiểu biết của bạn để thuyết phục mọi người. Những đề thi thú vị như vậy học sinh không cần phải học thuộc và lúc đó tất cả vốn sống, kinh nghiệm, sự hiểu biết của học sinh được huy động. Kiểu đề thi mở này giúp học sinh có cơ hội thể hiện bản thân, giúp các em bộc lộ những suy nghĩ khác người khác, sáng tạo, tự tin (những năng lực, phẩm chất được mọng đợi của một công dân toàn cầu).
Gần đây những đề thi ĐH của khối C, D đã bắt đầu có một câu như thế và những câu như thế học sinh không phải học thuộc quá nhiều và có xu hướng thể hiện được những năng lực của cá nhân tốt hơn, không học tủ được, không cần ôn luyện thi gì nhiều. Đề thi mở, dạy học theo hướng mở là dạy học sinh khám phá, phát hiện sự vật hiện tượng theo cách nhìn mới, sáng tạo… tập trung chủ yếu vào các kỹ năng tìm kiếm xử lý thông tin, kỹ năng phát hiện, giải quyết vấn đề, kỹ năng đưa ra những nhận xét bình luận và nói lên những độc đáo, sáng tạo của bản thân./.
 
Lương Thị Linh theo trung tâm ĐBCLGD&KT, Trường ĐNSPHN
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a







Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Ý kiến bạn đọc
 

Bộ đếm

Đang truy cậpĐang truy cập : 12

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 11


Hôm nayHôm nay : 2064

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 33109

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 4714347

Văn bản chỉ đạo các cấp

Văn bản học tập chính trị
Học chế tín chỉ
Danh sách giảng viên cơ hữu
DANH SÁCH THÍ SINH ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN SINH CAO ĐẲNG 2015
Thông báo tuyển sinh
Chuan dau ra cac nganh
Bo ngoai giao
vinades