Trang nhất » Tin Tức » Tin tức

Trường Cao đẳng Vĩnh Phúc hướng tới kỉ niệm 40 năm giải phóng Miền Nam (30/4/1975- 30/4/2015).

Thứ ba - 21/04/2015 20:32
Trường Cao đẳng Vĩnh Phúc hướng tới kỉ niệm 40 năm giải phóng Miền Nam (30/4/1975- 30/4/2015).

Trường Cao đẳng Vĩnh Phúc hướng tới kỉ niệm 40 năm giải phóng Miền Nam (30/4/1975- 30/4/2015).

Trong những ngày tháng Tư lịch sử, Cán bộ giáo viên và sinh viên trường Cao đẳng Vĩnh Phúc cùng với nhân dân cả nước đang hướng tới kỷ niệm 40 năm ngày Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975- 30/4/2015).
Như trong Đề cương tuyên truyền kỷ niệm ngày 30/4, Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định: Đây là “dịp chúng ta ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc…để tiếp thêm sức mạnh, ý chí quyết tâm trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN”.
Từ tinh thần chỉ đạo đó, chúng ta cùng ôn lại lịch sử ngày 30/4 cũng như thắng lợi vĩ đại của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Như chúng ta đã biết, chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954 đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp, buộc Pháp phải kí Hiệp định Giơnevơ chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam và Đông Dương. Nhưng với dự định từ trước, Mĩ đã phá hoại Hiệp định đưa Ngô Đình Diệm- một tay sai được đào tạo ở Mĩ về nước, thiết lập chính phủ bù nhìn Cộng hòa Miền Nam Việt Nam, thi hành chính sách thực dân kiểu mới, âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta. Trước tình thế đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng CSVN đã lãnh đạo nhân dân ta xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc- làm hậu phương vững chắc để cho miền Nam đấu tranh chống Mĩ- Ngụy, tiến tới thống nhất nước nhà.
Thực hiện chủ trương của Đảng và Bác, cuộc kháng chiến chống Mĩ của nhân dân ta đã trải qua gần 21 năm với nhiều gian khổ, thách thức, ác liệt qua nhiều giai đoạn để đối phó với các chiến lược chiến tranh của Mĩ.
Giai đoạn từ tháng 7/ 1954 đến 1960: Quân dân ta đấu tranh chính trị đòi thi hành Hiệp định Giơnevơ; khi kẻ thù cố tình không thực hiện dùng chính sách “tố cộng”, “diệt cộng” để tiêu diệt lực lượng cách mạng, nhân dân miền Nam đã tiến hành phong trào Đồng khởi làm tan rã hàng loạt bộ máy chính quyền thôn, xã của địch.
Giai đoạn 1961- 1965: Mĩ thay đổi chiến lược, đề ra chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” tăng cường cố vấn Mĩ và quân Ngụy với mục tiêu là xây dựng 16.000 ấp chiến lược để dồn 10 triệu dân vào đó theo hình thức “tát nước bắt cá” để tiêu diệt lực lượng cách mạng. Được sự chi viện của miền Bắc, quân dân miền Nam đã làm phá sản chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mĩ, tiêu biểu là trận Ấp Bắc. Trước nguy cơ thất bại và nhận thấy vai trò chi viện của miền Bắc nên ngày 5/8/1964 Mĩ đã tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất và chuyển sang chiến lược chiến tranh mới.
Giai đoạn 1965- 1968: Mĩ thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ” tăng cường cao độ lực lượng quân Mĩ, quân đồng minh và quân Ngụy Sài Gòn lên tới 1,5 triệu quân để thực hiện các cuộc hành quân “tìm diệt”, “bình định” miền Nam. Quân dân ta đã chiến đấu anh dũng làm nên thắng lợi với trận Vạn Tường, mùa khô 1965- 1966, 1966- 1967 và đặc biệt là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968). Miền Bắc cũng bắn rơi 3243 máy bay Mĩ, buộc Mĩ tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc ngày 1/11/1968, ngồi vào bàn đàm phán tại Pari.
Giai đoạn 1969- 1973: Mĩ chuyển sang chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” và “Đông Dương hóa chiến tranh” với âm mưu “dùng người Đông Dương đánh người Đông Dương”. Quân dân Việt Nam phối hợp với Lào, Cămpuchia chiến đấu giành thắng lợi trong trận Đường 9- Nam Lào và cuộc tiến công chiến lược năm 1972. Trước nguy cơ thất bại, Mĩ lại tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai bằng không quân. Trong 12 ngày đêm chiến đấu (18/12- 29/12/1972) quân dân miền Bắc đã làm nên trận “Điện Biên Phủ trên không”, buộc Mĩ phải kí Hiệp định Pari chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27/1/1973).
Giai đoạn 1973- 1975: “Mĩ cút nhưng Ngụy chưa nhào”, miền Nam lại tiếp tục chiến đấu để giải phóng hoàn toàn miền Nam. Cuối 1974 đầu 1975, miền Nam giành được thắng lợi to lớn trên các mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao; đặc biệt là trận Phước Long cho thấy quân địch đã suy yếu. Do đó, Bộ Chính trị đã họp đề ra kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Thực hiện kế hoạch, quân dân ta đã tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 với 3 chiến dịch lớn. Mở đầu là chiến dịch Tây Nguyên (4/3- 24/3/1975)- địa bàn chiến lược quan trọng được giải phóng với 60 vạn dân; địch bỏ chạy về duyên hải miền Trung. Ngày 21/3 ta mở chiến dịch ở Huế và 29/3 ở Đà Nẵng nhanh chóng giành thắng lợi. Cùng thời gian, ta giải phóng 1 số thị xã và tỉnh ở phía nam. Ngày 26/4/1975, ta mở chiến dịch Sài Gòn mang tên Hồ Chí Minh. Năm cánh quân của ta đồng loạt tiến vào trung tâm Sài Gòn, đánh chiếm các cơ quan đầu não của địch. 10 giờ 45 phút ngày 30/4, xe tăng của ta tiến vào Dinh Độc lập, bắt sống toàn bộ chính quyền Trung ương địch, Tổng thống Ngụy là Dương Văn Minh đã tuyên bố đầu hàng không điều kiện. 11 giờ 30 phút lá cờ cách mạng tung bay trên nóc nhà Phủ Tổng thống, báo hiệu chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Đến ngày 2/5/1975 tỉnh cuối cùng ở miền Nam được giải phóng.
Chiến thắng 30/4/1975 được Đại hội Đảng IV (12/1976) đánh giá: “Năm tháng sẽ trôi qua nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp chống Mĩ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỉ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”.
Ôn lại lịch sử dân tộc, Thầy trò trường Cao đẳng Vĩnh Phúc cũng như thế hệ trẻ hôm nay càng biết ơn, tự hào về truyền thống của ông cha ta, tiếp tục phấn đấu thi đua dạy tốt, học tốt để góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, CNH, HĐH đất nước, xây dựng một nước Việt Nam độc lập, giàu mạnh.
Nguyễn Thanh Thủy (Tổng hợp)
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a







Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Ý kiến bạn đọc
 

Bộ đếm

Đang truy cậpĐang truy cập : 2


Hôm nayHôm nay : 1649

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 30742

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 4763831

Văn bản chỉ đạo các cấp

Văn bản học tập chính trị
Học chế tín chỉ
Danh sách giảng viên cơ hữu
DANH SÁCH THÍ SINH ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN SINH CAO ĐẲNG 2015
Thông báo tuyển sinh
Chuan dau ra cac nganh
Bo ngoai giao
vinades