Trang nhất » Phòng ban » Phòng Khảo Thí » Bài viết - trao đổi

Cách dạy con lạ lùng của nữ giảng viên rực rỡ

Thứ hai - 07/03/2016 16:13
Chẳng ai nghĩ rằng chị Đặng Tố Nga, nữ giảng viên có cuộc sống rực rỡ, với vẻ ngoài dịu dàng, nữ tính lại vốn dĩ rất lỳ đòn, hay cãi, và có quan điểm dạy con khiến bạn bè “cực lực phản đối”.

“Tôi để con ăn chay, vì không đủ lý lẽ để bác lại”

Điều chị phản đối nhất khi dạy con là gì?

- Là sự áp đặt. Tôi quan sát thấy phụ huynh hiện nay áp đặt nhưng lại bỏ mặc con quá nhiều. Tôi chưa bao giờ đánh con.

Ngày trước tôi bị ăn đòn rất nhiều. Tính tôi rất mau nước mắt, nhưng bị ăn đòn không bao giờ khóc. Bố tôi mà đánh cắn răng chịu đau, rồi lên tít sân thượng ngồi khóc một mình không cho ai biết. Bị bố mắng mà bố chưa nói lý do để thuyết phục là tôi sai thì tôi nhất định không chịu xin lỗi.

Đến bây giờ, tôi không áp đặt con về lễ nghĩa và tất cả những việc khác, nhưng hướng cho con và dần dần cho con hiểu là làm như thế thì tốt hơn không làm thế, chứ không “Con phải làm thế”.

Tôi luôn nói với con: "Mình đi dọn nhà đi" thay vì "Con đi dọn nhà ngay!".

Lắm lý lẽ như chị, đã bao giờ phải chịu thua cô nhóc?

- Nói ra nhiều người không tin, nhưng con tôi đang ăn chay, và tôi tôn trọng sở thích của con. Mọi người nói ghê lắm, bảo là ăn thế không đủ chất, là mẹ so không bắt nó phải ăn thịt… Nhưng tôikhông thể nói như thế với con khi không có những chứng minh cụ thể.

Con gái tôi tự tìm các lý do bảo vệ quyết định của mình, tìm ra bao nhiêu sách cho mẹ đọc, bảo rằng vận động viên tennis nổi tiếng thế giới Djokovich ăn chay mà vẫn khoẻ mạnh và bao lần giành chức vô địch đấy thôi...

Nếu mình tìm được đủ lý do để thuyết phục con thì nó sẽ nghe. Việc này cũng như những việc khác, mình có thể giải thích, tìm hiểu dần để giải thích cho con, hoặc mẹ con cùng tìm hiểu. Mình cũng có thể phải chịu thua con. Khi đó, con rất sướng nhé! Nhưng sau đấy mình sẽ lặp lại vấn đề đấy nếu mình vẫn thấy cần thiết. Còn nếu con đúng thì đành chịu.

Từ bé tí con đã lý luận, bắt bẻ mẹ đủ thứ. Mẹ tôi luôn bảo, “Cái An hay cãi giống hệt con Nga”.

Đặng Tố Nga, giảng viên, dạy con, kiến trúc sư, ĐH Kiến trúc Hà Nội

Từ khi mới 4 tuổi, Maria An đã một mình một ngựa, không sợ gì hết

"Có ốm, con cũng phải tự chịu"

Điều mà chị muốn dạy con nhất là gì?

- Quan trọng nhất là chịu trách nhiệm về quyết định của mình, điều này chúng ta yếu. Vì vậy mà ngay từ khi con nhỏ, tôi đã dạy con phải chịu trách nhiệm về việc mình làm.

Mọi người vẫn nhắc chuyện năm con mới một tuổi rưỡi. Bãi biển ở Ý tháng 5 rất lạnh, con thích nước, muốn xuống nước chơi. Bạn bè đi cùng bảo đừng cho xuống. Tôi nói chuyện với con, coi con như một người lớn, bảo rằng bây giờ con mà xuống sẽ ốm, và phân tích các sự lựa chọn cho con. Sau đó, con vẫn đi xuống nước. Tối hôm đó con sốt đùng đùng.

Mọi người bảo tôi hâm, tuổi này làm sao con hiểu được. Tôi bảo không, con phải học cách chịu trách nhiệm về tất cả các quyết định của mình. Con quyết định như thế, con bị ốm.

Tôi đọc rất nhiều sách về tâm lý trẻ thơ và biết rằng từ 6 tháng trẻ con đã hiểu được về hành động của mình và cần cư xử với con như một người lớn.

Đặng Tố Nga, giảng viên, dạy con, kiến trúc sư, ĐH Kiến trúc Hà Nội

Maria An được đi trượt tuyết lần đầu tiên lúc 10 tháng tuổi

Chị quả là gan dạ…

- Tất nhiên tôi không để cho con vào nguy hiểm. Xuống nước mà ốm tới mức phải vào bệnh viện thì không rồi, nhưng chỉ sốt một đêm thôi, vừa rèn luyện vừa để con hiểu.

Hay như lò nướng ở nhà có đèn sáng, con rất thích sờ vào. Tôi nói “Nếu con sờ sẽ bị bỏng tay”, con vẫn cứ sờ, thế là bỏng, tất nhiên không đến mức nghiêm trọng, chỉ nóng với đứa trẻ con.

Thế là từ đấy mẹ bảo bỏng, lạnh, nóng là con sẽ không sờ nữa.

Bạn bè thân thiết có chia sẻ cách dạy con của chị không?

- Chẳng ai đồng tình với tôi hết. Vừa rồi tôi đi làm dự án ở Tam Đảo, khu vực đồi núi hoang vắng, lại đúng vào ngày đầu đông giá rét. Tôi rủ một mẹ nữa cho con đi cùng nhưng mẹ đó từ chối ngay. Cô ấy lo đi trên thuyền nhỡ nó ngã xuống nước thì sao, lên núi nhớ có rắn thì sao, sợ con khổ sở… Con tôi thì đồng ý đi ngay.

Bạn tôi hỏi “Mưa gió cho con đi như thế lạnh, có sợ về nó ốm không?”. Tôi trả lời “Con tớ muốn đi cùng mẹ. Tớ cũng muốn cho con rèn luyện. Tớ cũng nói về những khó khăn và nguy hiểm cho con, nếu con nhất định đi thì con phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình”.

Nghe tôi nói thế, mọi người lại bảo tôi hâm.

Chả lẽ chị không muốn con an toàn, sung sướng? Nhà có điều kiện, như người ta thì con chị đã được ở resort, ăn nhà hàng…

- Khám phá thiên nhiên là niềm hạnh phúc lớn nhất với một đứa trẻ. Điều này mang lại cho chúng nhiều lợi ích về sức khoẻ, tinh thần, tâm hồn và trí tuệ. Chúng ta không nên áp đặt những điều kiện mà người lớn cho rằng đó là thiên đường như Resort 5 sao, nhà hàng sang trọng...

Thông thường một đứa trẻ, nếu không bị người lớn nhồi vào đầu các quan điểm, sẽ không biết phân biệt giá trị của The Nam Hai Resort với Six sens Resort, nhưng nó thấy rõ sự khác biệt giữa vùng núi và vùng biển, giữa đồng bằng sông Cửu Long và cao nguyên Nam Trung Bộ, thậm chí còn thấy được sự khác biệt giữa vùng núi Đông Bắc với vùng núi Tây Bắc.

Vì thế, nếu có thật nhiều tiền tôi cũng không bao giờ cho con du lịch từ resort này tới resort khác, tôi thấy như thế thật nghèo nàn (như Tổng thống Uruguay đã nói).

Cho đứa trẻ những điều trên, gia đình có điều kiện không sao nhưng đừng để cho nó thấy đấy là điều quan trọng nhất. Tôi thực lòng không biết quan điểm đó đúng hay sai, nhưng nhiều khi đi trên máy bay, tôi thấy buồn khi có những đứa trẻ hỏi cha mẹ “Mình sẽ đi resort nào hả mẹ, 5 sao hay 4 sao?”.

Đặng Tố Nga, giảng viên, dạy con, kiến trúc sư, ĐH Kiến trúc Hà Nội

"Mẹ gọi con là Công chúa của mẹ, nhưng mẹ rèn luyện cho con như một người lính. 6 tháng tuổi con đã theo mẹ về Việt nam rồi đi xuyên Việt giữa mùa hè, đươc nếm mùi gió Lào ở Cửa Lò. 17 tháng con được đi vòng quanh đảo Corse, cắm trại ngủ lều cả tháng trời.

Bây giờ, con có thể đi bộ, leo núi hàng chục km/ ngày. Ngủ ở bất cứ đâu, chỉ cần có cái túi ngủ thôi".

Con chị có thèm muốn những điều đó không, khi thấy bạn bè mình được hưởng thụ?

- Thực ra cháu cũng được đi đến chỗ sang trọng, vì nghề nghiệp của tôi cũng đi nhiều nơi như thế (chị Nga đã tham gia thiết kế nhiều resort ở Việt Nam cũng như ở nước ngoài- PV), nhưng cháu không thấy sung sướng vui thích gì cả.

Cháu thích khám phá. Tôi cho con đi ở lều từ khi cháu mới 17 tháng. Cả tháng trời rong ruổi chỗ này chỗ khác vòng quanh đảo Corse, đến nơi lại cắm lều ngủ. Cháu đã được rèn luyện, có thể đi bộ rất giỏi. Cháu thích hoạt động thể chất, mạo hiểm chứ không phải hưởng sung sướng. Cháu có thể ở ngoài trời cả ngày, nắng mưa dãi dầu, mưa cũng đi mà nắng cũng đi.

Năm ngoái tôi đi du lịch 1 tháng ở Hy Lạp, vì tôi không biết đi xe máy nên một ngày hai mẹ con cứ đi bộ cả vài chục km. Đường núi nắng kinh khủng khiếp, nóng tới mức cây không có một cái lá nào, nhưng con còn thích hơn tôi. Tôi truyền cho con sự say mê đó, nhưng ở con, sự say mê đó còn tăng gấp bội.

Có điều gì khiến chị sợ không dám cho con tự làm?

-Tôi vẫn sợ không dám cho con đi đến trường một mình.

Đặng Tố Nga, giảng viên, dạy con, kiến trúc sư, ĐH Kiến trúc Hà Nội

Cô bé có thể chịu được thời tiết thay đổi đột ngột - nóng bức ở chân núi nóng, băng tuyết khi leo lên tới đỉnh

“Tôi không dạy con phải có hiếu với mẹ”

- Tôi không đồng quan điểm với tất cả những bài báo dạy con phải có hiếu với cha mẹ, dù điều này rất Việt Nam, rất truyền thống.

Chị đã… nghĩ kỹ khi nói điều này chưa đấy?

-Tôi thấy thật kỳ lạ, khi một đôi trẻ cưới nhau lâu lâu mà chưa có con, mọi người xung quanh sẽ bảo "Phải có một đứa con để vui cửa vui nhà", "Phải có con để sau này nó phụng dưỡng mình tuổi già", chứ không ai nói "Hãy sinh con đi, tạo ra một cuộc sống mới là một điều thiêng liêng và cần phải hy sinh vì điều đó".

Những người lớn quyết định sinh ra một đứa trẻ vì tình yêu, có khi sinh con vì nhỡ kế hoạch. Vậy tại sao chúng ta lại đòi hỏi đứa trẻ phải đền đáp công ơn sinh thành?

Chúng ta quyết định sự ra đời của một đứa trẻ, nên khi đứa trẻ chưa đủ khả năng tự tồn tại, tự nuôi sống bản thân thì nghĩa vụ của chúng ta là phải nuôi nấng chúng nên người, nhưng bản thân đứa trẻ không có nghĩa vụ phải đền đáp công ơn đó, chúng không đòi hỏi được sinh ra trên đời.

Con cái hiếu thảo với cha mẹ vì con cái cảm nhận được những tình cảm mà cha mẹ dành cho mình, con cái yêu thương và biết ơn cha mẹ, là sự đáp lại, hoàn toàn không phải là nghĩa vụ. Quan điểm của tôi là vậy.

Đặng Tố Nga, giảng viên, dạy con, kiến trúc sư, ĐH Kiến trúc Hà Nội
Cô bé Marian An, 11 tuổi, đang học tại một trường ngoài công lập tại Hà Nội

Vậy chị đã bao giờ nghĩ rằng chị chẳng có nghĩa vụ gì đối với mẹ mình?

-Tôi yêu thương mẹ tôi vì tình cảm ấy có từ khi tôi mới ra đời, dần dần lớn theo năm tháng, theo những gì mẹ dành cho tôi. Tôi chưa bao giờ làm điều gì tốt đẹp với mẹ vì nghĩ rằng “đây là nghĩa vụ của mình”. Nhưng bây giờ, khi mẹ đưa ra lý thuyết phải có hiếu, tôi vẫn phản bác.

Tôi bảo “Con yêu thương mẹ nên con mới làm những việc như thế. Con về Việt Nam sống cùng với mẹ cũng vì mẹ. Nhưng đấy là vì con yêu thương mẹ chứ không phải vì nghĩa vụ làm con. Trong cuộc sống, tình yêu thương là quan trọng nhất”.

Thôi thì không dạy con có hiếu, nhưng chị dạy con phải biết yêu thương chứ?

-Ngay cả tình yêu thương cũng không thể ép buộc. Bạn nhìn xem với vật nuôi trong nhà như con chó chẳng hạn, mình yêu nó thì nó sẽ quấn quít tình cảm với mình đâu cần mình phải ra rả rằng mình nuôi nó thì nó phải thương mình.

Lúc mới về nước, con tôi chưa có tình cảm với bà nhiều, vì dù sao cũng ở cách xa như thế. Mẹ tôi và những người khác bảo “Con phải dạy cho cháu biết yêu bà”. Tôi nói “Không, con không dạy được, cứ để từ từ,rồi sẽ đến lúc cháu sẽ cảm nhận được tình cảm của bà và yêu bà một cách tự nhiên”. Và bây giờ thì con đã rất yêu bà ngoại.

Dạy trẻ con không bắt ép được.

Đặng Tố Nga, giảng viên, dạy con, kiến trúc sư, ĐH Kiến trúc Hà Nội

5 tuổi bắt đầu học thêu chữ thập, rất kiên nhẫn thêu gần hết bức tranh to

Chị có nghĩ tới tình cảnh lỡ sau này con chẳng đoái hoài gì tới mình?

-Nếu mình yêu thương con, con sẽ có tình cảm. Nếu một ngày không được như thế, tức là giáo dục của mình có thiếu sót. Nhưng tôi không đưa ra bài học con phải có hiếu, phải có nghĩa vụ với bố mẹ.

Quan niệm cuộc sống bình thường của tôi cũng thế. Không ai có nghĩa vụ làm cho ai một cái gì cả, kể cả với con cái vợ chồng. Mình cần thì nhờ người ta giúp. Người ta giúp được mình biết ơn, không giúp được phải hiểu là người ta không có nghĩa vụ, mình không được trách móc người ta.

Xin cảm ơn chị.

Lương Thị Linh - Theo báo Vietnamnet

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a







 

Bộ đếm

Đang truy cậpĐang truy cập : 9


Hôm nayHôm nay : 405

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 25576

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 5096116

Văn bản chỉ đạo các cấp

Văn bản học tập chính trị
Học chế tín chỉ
Danh sách giảng viên cơ hữu
DANH SÁCH THÍ SINH ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN SINH CAO ĐẲNG 2015
Thông báo tuyển sinh
Chuan dau ra cac nganh
Bo ngoai giao
vinades