Câu chuyện nên cho con học trước lớp 1 hay không vẫn không có hồi kết khi luôn song hành hai luồng ý kiến trái ngược nhau.
LTS: Phần lớn các bậc phụ huynh ở đô thị cho rằng: trước khi vào lớp 1 trẻ phải đọc thông, viết thạo, làm toán nhanh nếu không sẽ không theo kịp chương trình mới. Quan niệm này của cha mẹ khiến nhiều đứa trẻ mới 4 - 5 tuổi đã bị bố mẹ bắt “chín ép”.Là một giáo viên Tiểu học, cô giáo Phan Tuyết mạnh dạn đưa ra ý kiến chỉ ra đối tượng nào thì nên đi học trước để các bậc phụ huynh tham khảo. Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả ý kiến này. Người nhất quyết không cho con đi học trước theo lời một số chuyên gia, một số nhà tâm lý giáo dục. Người lại sợ con mình trở thành “
con vịt lạc đàn” trong lớp nên bằng mọi giá phải cho con đi học trước.
Ai cũng có những lý do riêng của mình mà nghe ra đều có lý. Là một giáo viên dạy nhiều năm ở Tiểu học, tôi chỉ xin góp một số ý kiến được rút ra từ thực tế của tôi, của đồng nghiệp để các bậc phụ huynh tham khảo.
Không nên cho trẻ học trướcỞ Tiểu học, lớp 1 là lớp mà giáo viên dạy phải vất vả nhiều nhất vì hầu như phải dạy, phải tập cho các em từ những việc nhỏ nhất.
Vài năm trước đây, ở bậc Mầm non, học sinh đã được dạy đọc, dạy viết nên
khi vào lớp 1 nhiều em có thể đọc được cả đoạn văn, viết được một đoạn chính tả.
Những em không được đi học mẫu giáo (ở vùng quê vẫn còn) nên vào lớp nhiều em không theo được các bạn là điều đương nhiên.
Nhưng cũng chỉ thời gian đầu, những học sinh bình thường đặc biệt một số em nhanh nhạy chỉ một thời gian ngắn có thể sẽ hòa nhập ngay (trừ một vài trường hợp đặc biệt như có vấn đề về nhận thức…).
|
Phụ huynh đừng nên cho con đi học theo phong trào, theo hiệu ứng đám đông (Ảnh: vtv.vn) |
Hai năm trở lại đây, Bộ Giáo dục và đào tạo cấm các trường mẫu giáo dạy trước chữ cho học sinh nên nhiều phụ huynh đôn đáo tìm thầy cô để gửi cho con học trước.
Mới vào hè mà các lớp học thêm của giáo viên lớp 1 đã không còn chỗ ngồi. Giáo viên dạy các em đọc, viết theo từng bài trong sách học vần, sách toán của lớp 1. Hết hai tháng hè, cô nào dạy nhanh cũng mới hết cuốn sách tập một.
Lúc này học sinh cơ bản cũng đã nhận biết được các con chữ, đánh vần, đọc trơn tru tiếng từ, biết viết đúng ô li các mẫu chữ theo yêu cầu, biết làm các phép tính đơn giản…
Vào năm học, các em được học lại từ đầu. Dù trong lớp có nhiều em biết đọc, biết viết thì giáo viên lớp 1 khi dạy cũng phải dạy theo đúng quy trình từ nhận biết âm vần, đánh vần, đọc trơn, ghép tiếng, ghép từ và đọc thành câu…
Dù nhiều em đã biết viết chính tả như học trò lớp 2 nhưng vào lớp 1 cũng phải tập viết từng con chữ cái, từng tiếng, từng từ…
Với học sinh không đi học trước, thời gian đầu các em tiếp thu chậm hơn các bạn ở phần đọc nhưng phần viết có khi lại trội hơn.
Bởi vì: “
Dạy cho học sinh chưa biết viết dễ hơn bởi những em biết viết mà viết sai, giáo viên phải sửa cực lắm vì lúc đó các em đã viết thành thói quen”. Một giáo viên dạy lớp 1 lâu năm đã chia sẻ như thế.
Ở các lớp học thêm, số lượng học sinh đông, thời gian học không nhiều nên giáo viên không thể hướng dẫn kĩ, không thể sửa riêng cho từng em được.
Chưa nói nhiều thầy cô dạy Tiểu học lại nhưng chưa bao giờ dạy lớp 1 nên việc hướng dẫn các em viết cũng không được chu đáo ở cách đặt dấu thanh, độ cao, độ rộng và khoảng cách các con chữ…
Học sinh Tiểu học đã được học 2 buổi/ ngày. Buổi sáng học âm vần mới, buổi chiều thường được giáo viên ôn lại ở tiết bổ sung.
Nếu cứ bắt trẻ phải học đi học lại những điều chúng đã biết quá rành, trẻ cũng không còn hứng thú với việc học là điều đương nhiên.
Đối tượng nào nên đi học trước?Trong thực tế giảng dạy, chỉ những em có vấn đề về nhận thức cha mẹ mới cần cho con học trước để khi vào năm học mới bắt kịp cùng các bạn.
Những đối tượng này không nhiều, một lớp chỉ vài em. Trừ một số em quá đặc biệt như bị tự kỉ, bị khuyết tật về trí tuệ…cần phải có sự kèm cặp, hướng dẫn trong thời gian dài.
Những học sinh bình thường khác, chỉ cần cha mẹ cho con biết cách cầm bút cho chắc, hướng dẫn con đưa các nét cong, nét hất...một cách thuần thục để vào học cô không phải cầm tay con viết từng nét.
Hàng ngày, cha mẹ cho các em làm quen với bảng chữ cái, tập đếm số hoặc có thể đố trẻ một số phép tính đơn giản theo kiểu vừa học vừa chơi…Làm tốt điều này con vào lớp 1 sẽ học tốt mà không cần phải cho đi học trước.
Mục tiêu yêu cầu cần đạt cuối năm học ở môn Học vần lớp 1 là: Đọc lưu loát, nhìn chép được đoạn văn ngắn. Với môn Toán là: Cộng trừ không nhớ trong phạm vi 100.
Nhiều giáo viên lại có yêu cầu cao hơn với học sinh khi mới ở học kì 1 đã đọc cho các em chép đoạn văn hoặc yêu cầu các em phải đọc lưu loát từ, câu…nên thường phản ảnh với phụ huynh việc các em học chậm…
Phụ huynh đừng nên cho con đi học theo phong trào, theo hiệu ứng đám đông. Con người ta đi học, con mình cũng phải cố theo.
Không ép con phải tới lớp, tới trung tâm học thêm nhưng cha mẹ cũng nên cùng con làm quen với chương trình lớp một ở nhà theo kiểu “vừa học vừa chơi” một cách nhẹ nhàng để các em khỏi bở ngỡ.
Lê Thị Tính (theo Giáo dục Việt Nam)