Cô giáo Phạm Thị Tâm - Trường THPT Hoằng Hóa 3 (Thanh Hóa) - chia sẻ những lưu ý then chốt cho giáo viên nhằm thực hiện rèn luyện học sinh thành thạo các kỹ năng này, đặc biệt hữu ích cho những học sinh tham dự các kỳ thi giỏi Văn.
Kỹ năng phân tích đềPhân tích đề là công việc trước tiên trong quá trình làm một bài văn nghị luận, nhưng lại là khâu mà phần lớn học sinh bỏ qua vì ngại khó và vì sợ mất thời gian làm bài.
Đây là khâu quan trọng giúp học sinh định hướng đúng đề và rèn kĩ năng tư duy lôgic và đặc biệt giúp học sinh khi viết không rơi vào tình trạng xa đề, viết lan man hay viết mà không hiểu những gì mình đang viết.
Khi phân tích đề cần đọc kĩ đề bài, chú ý những từ ngữ then chốt để xác định yêu cầu về nội dung và hình thức nghị luận, phạm vị tư liệu cần sử dụng.
Ví dụ, với đề: Cảm nhận của anh (chị) về tâm sự của Hồ Xuân Hương trong bài Tự tình (bài II)?
Đây là dạng “đề mở” yêu cầu bàn về tâm sự của Hồ Xuân Hương trong bài thơ Tự tình (bài II), nhưng chưa rõ, vì vậy đòi hỏi người viết phải tự xác định hướng triển khai:
Tâm sự của Hồ Xuân Hương trong bài Tự tình (bài II) là tâm sự về vấn đề gì? Tâm sự đó được bộc lộ qua diễn biến tâm trạng của nhân vật trữ tình trong bài Tự tình (bài II) ra sao? Và được biểu hiện trong bài thơ Tự tình (bài II) như thế nào?
Người viết nêu cảm nghĩ của mình về tâm sự và diễn biến tâm trạng của Hồ Xuân Hương: Cô đơn, chán chường, đau khổ, phẫn uất, khát khao được sống hạnh phúc,…
Dẫn chứng, tư liệu, học sinh lấy trong bài thơ Tự tình (bài II) và từ chính cuộc đời của Hồ Xuân Hương cũng như những bài thơ khác của bà có liên quan.
Như vậy, sau khi giáo viên hướng dẫn, học sinh đã có kĩ năng phân tích đề và hình thành thói quen luôn biết cách phân tích đề khi bắt gặp bất kì dạng đề, kiểu đề nào trong khi thi.
Kỹ năng lập dàn ýĐể giúp học sinh thực hiện được yêu cầu trên, cô Phạm Thị Tâm thường hướng dẫn học sinh đi tuần tự theo các bước:
Tìm yêu cầu trọng tâm của đề, các khía cạnh, phương diện cần triển khai;
Xác định quan hệ và vai trò của luận điểm: Những khía cạnh, phương diện ấy quan hệ với nhau như thế nào? Phương diện nào thể hiện tập trung và rõ nét các yêu cầu trọng tâm của đề? Cuối cùng, sắp xếp luận điểm sao cho hợp lí, lôgic nhất.
Ví dụ: Lập dàn ý cho đề văn "Vẻ đẹp độc đáo và đa dạng của sông Hương qua bút kí Ai đã đặt tên cho dòng sông? của Hoàng Phủ Ngọc Tường".
Với đề bài trên, học sinh phải xác định được phạm vi đề và gạch chân dưới những từ ngữ quan trọng, là nội dung trọng tâm đề yêu cầu. Đó là các từ: Vẻ đẹp độc đáo, đa dạng của Sông Hương.
Giải thích và tìm dẫn chứng cho vẻ đẹp độc đáo: Con sông thuộcvề một thành phố duy nhất; dòng chảy như điệu slow dành riêng cho Huế, trôi thật chậm cơ hồ như không chảy; đẹp thơ mộng; là người con gái dịu dàng của đất nước...
Vẻ đẹp đa dạng trên nhiều phương diện: Dòng sông của cảnh sắc thiên nhiên đa dạng - Từ rừng Trường Sơn, cánh đồng Châu Hóa đến Huế và rời khỏi kinh thành Huế, dòng sông của thi ca, âm nhạc, lịch sử, của sử thi viết giữa màu cỏ lá xanh biếc...
Đó còn là vẻ đẹp tài hoa, mê đắm của bút kí Hoàng Phủ Ngọc Tường (Học sinh so sánh với Nguyễn Tuân và vẻ đẹp của con sông Đà trong bài tùy bút trước đó).
Những nội dung này học sinh được suy nghĩ trong vòng 25 - 30 phút, sau đó học sinh sẽ trình bày ngắn gọn bằng hình thức nói (yêu cầu phải nói rõ căn cứ để nhận thức đề, đề xuất luận điểm và sắp xếp ý). Cuối cùng giáo viên mới chữa hoàn chỉnh.
Kỹ năng này nếu được làm một cách thường xuyên và khoa học sẽ hình thành được ở học sinh khả năng chủ động và độc lập tư duy trong học tập, khắc phục dần tình trạng học sinh làm bài theo kiểu ngẫu hứng, nghĩ đến đâu viết đến đó.
Đây cũng là một trong những biểu hiện của tính khoa học ở một bài văn HSG. Cô Tâm cho biết, qua thực tế thấy rất rõ, các em trong đội tuyển HSG có khả năng nhận diện đề và lập dàn ý khá nhanh và tự tin, có ý thức rõ rệt cần phải thiết lập hệ thống luận điểm trước khi bắt tay vào viết bài.
Kỹ năng viết vănTừ dàn ý được giáo viên sửa chữa, học sinh bắt tay vào việc dựng đoạn, liên kết đoạn với việc vận dụng các thao tác lập luận: so sánh, phân tích, bình luận... để viết thành bài hoàn chỉnh.
Muốn có một bài viết hay, học sinh phải biết trình bày những hiểu biết, những rung động, suy nghĩ của mình một cách mạch lạc, sáng sủa và có sức thuyết phục.
Yêu cầu trước hết đối với học sinh là phải diễn dạt lưu loát rõ ý; chữ viết sạch sẽ, dễ đọc, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, viết câu.
Từ đó nâng dần yêu cầu học sinh phải viết được những đoạn văn hay, có cách dùng từ chính xác, sáng tạo, mới lạ, có giọng văn riêng, thể hiện được dấu ấn, phong cách của người viết.
Học sinh cần làm một bài thi thử cùng đội tuyển trước khi thi 2 - 3 ngày để xem xét lại một cách toàn diện các kĩ năng đã được rèn luyện, trong đó đặc biệt lưu ý việc phân bổ thời gian giữa các câu trong đề thi cho hợp lí, tránh tình trạng viết tùy hứng và viết thừa, thiếu thời gian trong bài thi.
Lê Thị Tính (theo Báo mới.com)