Trang nhất » Đoàn thể » Văn bản học tập chính chị

Đổi mới hệ thống tổ chức và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

Thứ ba - 22/05/2018 23:59
Hiện nay ở nước ta, hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương đến địa phương được tổ chức đa dạng, với nhiều nhiệm vụ và loại hình khác nhau. Với đông đảo đội ngũ trí thức, các nhà khoa học, hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập đã có đóng góp to lớn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hoạt động cung cấp dịch vụ sự nghiệp công cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân và xã hội, hướng tới mục tiêu ổn định và công bằng xã hội; đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của nhân dân, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế nhanh và bền vững, hoàn thành hầu hết và cơ bản các mục tiêu Thiên niên kỷ, thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng.

Những kết quả quan trọng trong thực hiện đổi mới hệ thống tổ chức và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL)

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản quan trọng và tích cực lãnh đạo, chỉ đạo toàn hệ thống chính trị tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp đổi mới hệ thống tổ chức và hoạt động của các đơn vị SNCL. Đặc biệt là Kết luận số 37-TB/TW, ngày 26-5-2011, của Bộ Chính trị về Đề án đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công; Văn kiện Đại hội XII của Đảng cũng đã xác định rõ nhiệm vụ: “Đổi mới tổ chức và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công theo hướng nâng cao chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức bộ máy, biên chế, nhân sự và tài chính; xã hội hóa lĩnh vực dịch vụ công, thu hút các thành phần kinh tế tham gia vào lĩnh vực này”(1); “Cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công, giao quyền tự chủ phù hợp, nâng cao năng lực quản trị, hiệu quả hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp”(2); “Đa dạng hình thức xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp công như: thí điểm cổ phần hóa đơn vị sự nghiệp công; giao cộng đồng quản lý, cho thuê cơ sở vật chất, tài sản của Nhà nước để kinh doanh cung ứng dịch vụ công và thực hiện cơ chế đơn vị sự nghiệp công hoạt động như doanh nghiệp công ích”(3). Cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Hội nghị Trung ương 5 khóa XII ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 03-6-2017, Về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tiếp tục chỉ rõ: “Hoàn thiện thể chế, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đầy đủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập về phạm vi hoạt động, tổ chức bộ máy, biên chế, nhân sự và tài chính gắn với cơ chế đánh giá độc lập”.

Với những cố gắng, nỗ lực của Chính phủ và các ban, bộ, ngành, địa phương, việc đổi mới hệ thống tổ chức và hoạt động của các đơn vị SNCL trong những năm qua đã đạt được nhiều kết quả bước đầu quan trọng, góp phần thúc đẩy quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường (KTTT) định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở nước ta.

Hiện, cả nước có khoảng 58.000 đơn vị SNCL, với 2,5 triệu biên chế (chưa kể đến tổ chức, biên chế trong công an, quân đội và khu vực doanh nghiệp nhà nước). Đây là lực lượng giữ vai trò chủ đạo, cung cấp hầu hết dịch vụ sự nghiệp công (SNC), liên quan đến mọi người, mọi nhà và toàn xã hội, như dịch vụ y tế, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, văn hóa, thể dục - thể thao... Mạng lưới các cơ sở giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao đã phủ kín hầu hết các lĩnh vực, địa bàn, đến tận khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, địa bàn khó khăn, biên giới, hải đảo trong cả nước. Hệ thống đơn vị SNCL giữ vai trò nòng cốt trong cung ứng dịch vụ SNC và thực hiện chính sách an sinh xã hội, tạo cơ hội tiếp cận dễ dàng, thuận lợi, bình đẳng cho mọi người dân, với chất lượng ngày càng cao và chi phí hợp lý hơn.

Hệ thống các văn bản pháp luật về đơn vị SNCL dần từng bước được hoàn thiện, tăng cường phân cấp, phân định rõ hơn thẩm quyền giữa các cơ quan nhà nước ở Trung ương, địa phương và của mỗi cấp chính quyền; đã từng bước ban hành các tiêu chí, điều kiện thành lập, sáp nhập, giải thể đơn vị SNCL làm cơ sở cho việc sắp xếp hệ thống các đơn vị SNCL cả về tổ chức bộ máy và nhân lực.

Đẩy mạnh giao quyền tự chủ cho các đơn vị SNCL cả về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính; đồng thời chủ động sử dụng tài sản, nguồn nhân lực để phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động cung cấp dịch vụ SNC. Theo đó, nguồn thu sự nghiệp đã tăng lên, thực hiện tiết kiệm chi phí để tăng thu nhập cho người lao động.

Thực hiện chuyển đổi từ phí sang giá dịch vụ, từng bước tính chi phí tiền lương vào trong giá dịch vụ, góp phần bù đắp chi phí của các đơn vị, giảm chi thường xuyên của ngân sách nhà nước (NSNN), nhất là trong lĩnh vực y tế.

Chính sách ưu đãi, khuyến khích thực hiện xã hội hóa cung cấp dịch vụ SNC (đất đai, thuế, tín dụng,...) đã góp phần mở rộng mạng lưới, tăng quy mô, số lượng và nâng cao chất lượng các đơn vị cung ứng dịch vụ sự nghiệp ngoài công lập; khuyến khích các đơn vị SNCL, nhất là các trường đại học, bệnh viện và cơ sở giáo dục nghề nghiệp, chủ động trong việc thu hút các nguồn vốn đầu tư của xã hội; đã thực hiện thí điểm cổ phần hóa đơn vị SNCL có đủ điều kiện.

Việc quản lý, sử dụng tài chính và tài sản công trong các đơn vị SNCL được chú trọng hơn. Nhiều đơn vị đã ban hành Quy chế tài chính, Quy chế quản lý, sử dụng tài sản công, từng bước khắc phục việc sử dụng tài sản công lãng phí, sai mục đích, vượt tiêu chuẩn, định mức, sử dụng vào mục đích cá nhân.

Những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân chủ yếu

Bên cạnh những kết quả quan trọng đạt được, vẫn còn nhiều tồn tại, yếu kém, gây bức xúc trong xã hội và còn không ít những khó khăn, thách thức phải vượt qua, nhất là trong việc tổ chức lại và đổi mới cơ chế, chính sách. Cụ thể là:

Việc đổi mới hệ thống tổ chức các đơn vị SNCL còn chậm so với lĩnh vực kinh tế và yêu cầu thực tiễn. Công tác quy hoạch mạng lưới đơn vị SNCL chưa chú trọng quy hoạch theo ngành, lĩnh vực, đặc điểm vùng, miền và nhu cầu thực tế. Hệ thống các đơn vị SNCL còn cồng kềnh, dàn trải, phân tán, manh mún, quá nhiều đầu mối, quy mô nhỏ, chồng chéo nhiệm vụ, chưa tinh gọn và chưa phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước; hoạt động hiệu quả thấp, thậm chí một số đơn vị thua lỗ, thất thoát, lãng phí. Số lượng người làm việc trong các đơn vị SNCL ngày càng tăng, hiện nay gấp khoảng 4 lần số lượng biên chế cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị, nhất là giáo dục và y tế. Việc thành lập đơn vị mới, tuyển dụng, đề bạt cán bộ còn tùy tiện; đầu tư phân tán, kém hiệu quả; tỷ trọng chi thường xuyên cho lĩnh vực SNC trong tổng chi thường xuyên NSNN còn cao.

Hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước đối với các đơn vị SNCL chưa cao, chưa tách bạch rõ giữa chức năng quản lý nhà nước với chức năng cung ứng dịch vụ của đơn vị SNCL. Các bộ quản lý ngành, lĩnh vực còn trực tiếp quản lý quá nhiều đơn vị SNCL. Việc thanh tra, kiểm tra và đánh giá hoạt động của đơn vị SNCL còn nhiều hạn chế.

Nhiều văn bản quy phạm pháp luật về đơn vị SNCL chậm được ban hành hoặc chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung. Việc phân công, phân cấp thành lập và quyết định biên chế chưa hợp lý, rõ ràng là một nguyên nhân làm tăng nhanh đầu mối và biên chế hưởng lương từ NSNN. Công tác quản trị nội bộ còn yếu kém. Hội đồng trường trong các trường đại học còn mang nặng tính hình thức, chưa phù hợp với thực tế.

Chất lượng đội ngũ lãnh đạo, quản lý và viên chức chưa cao, năng suất lao động thấp. Cơ cấu đội ngũ viên chức chưa hợp lý, đội ngũ viên chức làm công tác phục vụ chiếm tỷ lệ cao. Việc thu hút nhân tài vào làm việc trong đơn vị SNCL còn hạn chế.

Cơ chế tài chính còn nhiều bất cập. Các dịch vụ công được NSNN bảo đảm kinh phí còn rất rộng. Trong giai đoạn 2011 - 2016, tỷ lệ chi các lĩnh vực sự nghiệp chiếm 44% tổng chi thường xuyên của NSNN. Việc triển khai lộ trình tính đủ chi phí trong giá dịch vụ SNC còn khó khăn. Cơ chế phân bổ, quản lý, sử dụng kinh phí NSNN về cơ bản vẫn thực hiện theo yếu tố đầu vào và theo biên chế; đầu tư phân tán, dàn trải chưa gắn với số lượng, chất lượng sản phẩm, dịch vụ; việc sử dụng tài sản công còn phân tán, lãng phí, hiệu quả thấp.

Việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, xã hội hóa trong các đơn vị SNCL còn hạn chế, kết quả đạt được thấp và còn thiếu vững chắc. Công tác quản lý nhà nước về xã hội hóa dịch vụ SNC của một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự sát sao, còn lúng túng, kém hiệu quả; vẫn còn tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh, chạy theo lợi nhuận đơn thuần, lợi dụng chủ trương xã hội hóa để lạm thu; hoạt động liên doanh, liên kết, hợp tác công - tư còn thiếu minh bạch.

Những hạn chế, yếu kém nêu trên có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu:

Việc thể chế hóa các chủ trương của Đảng thành chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực SNC còn chậm và chưa đầy đủ, chưa đồng bộ, chưa theo kịp và chưa phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhiều chính sách là tiền đề, là điều kiện của việc giao quyền tự chủ cho đơn vị SNCL còn chậm được ban hành, sửa đổi, bổ sung. Chưa xác định được bước đi cụ thể, phù hợp để triển khai chuyển đổi hoạt động của các đơn vị SNCL. Chưa phân định rõ chức năng cung cấp dịch vụ công với chức năng quản lý nhà nước của cơ quan chủ quản. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của các đơn vị sự nghiệp còn hạn chế, chưa có chế tài xử lý những sai phạm.

Nhận thức, trình độ và tư duy, năng lực quản trị và chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhìn chung còn yếu kém, chậm đổi mới, còn tư tưởng ỷ lại vào sự bao cấp của Nhà nước; thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu chưa được quy định rõ ràng; chưa xây dựng được các quy định, tiêu chí cụ thể để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ gắn với chất lượng hoạt động của đơn vị SNCL; chưa có hệ thống đánh giá kết quả hoạt động thích hợp với đặc thù của từng ngành.

Công tác chỉ đạo triển khai thực hiện cơ chế tự chủ đối với đơn vị SNCL của một số cấp ủy đảng, lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị còn thiếu quyết liệt, hiệu quả không cao. Việc quản lý biên chế sự nghiệp còn thiếu chặt chẽ.

Công tác tuyên truyền, quán triệt ít hiệu quả, chưa thay đổi được nhận thức của người dân khi thụ hưởng dịch vụ SNC là phải cùng tham gia với Nhà nước trong việc chia sẻ, đóng góp chi phí. Chủ trương không phân biệt giữa các đơn vị SNCL và ngoài công lập và việc hợp tác công - tư trong hoạt động SNC còn thiếu rõ ràng, chưa có cơ chế giám sát hiệu quả và chưa quy định rõ pháp nhân cho sự hợp tác này.

Một số giải pháp trọng tâm tiếp tục thực hiện đổi mới hệ thống tổ chức và hoạt động của các đơn vị SNCL

Từ thực tiễn đổi mới hệ thống tổ chức và hoạt động của các đơn vị SNCL ở nước ta trong những năm qua cho thấy, việc tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị SNCL là đòi hỏi tất yếu khách quan; là một trong những yêu cầu, nhiệm vụ cấp thiết hiện nay, có ý nghĩa chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, nhân văn hết sức sâu sắc, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta, góp phần vào phát triển đất nước nhanh và bền vững; hoàn thiện thể chế KTTT định hướng XHCN; thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Với tính cấp bách và ý nghĩa cấp thiết đó, Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 25-10-2017, “Về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”. Đây là một Nghị quyết rất quan trọng, nhằm cụ thể hóa thực nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ mà Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã đề ra, được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân hết sức quan tâm.

Nghị quyết xác định, việc tiếp tục đẩy mạnh đổi mới các đơn vị SNCL cũng như đổi mới doanh nghiệp nhà nước, cần được tiến hành đồng bộ, quyết liệt nhưng thận trọng, vững chắc và đặt trong tổng thể tiếp tục đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; sự cần thiết phải đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công (xã hội hóa nhưng không thương mại hóa), phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế. Xác định rõ vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, quyền làm chủ của nhân dân; vai trò, vị trí của các đơn vị SNCL trong điều kiện phát triển KTTT định hướng XHCN, hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Trên cơ sở đó đề ra quan điểm, mục tiêu và định hướng tiếp tục đẩy mạnh đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng dịch vụ và hiệu quả hoạt động của các đơn vị SNCL gắn với bảo đảm ổn định chính trị, xã hội nói chung và từng ngành, lĩnh vực cụ thể nói riêng; căn cứ vào thực tế và trình độ phát triển của nước ta để rà soát, bổ sung, hoàn thiện đồng bộ hệ thống các cơ chế, chính sách, có tính khả thi cao, nhất là các cơ chế, chính sách mới, có tính đột phá.

Với mục tiêu tổng quát là: “Đổi mới căn bản, toàn diện và đồng bộ hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập, bảo đảm tinh gọn, có cơ cấu hợp lý, có năng lực tự chủ, quản trị tiên tiến, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; giữ vai trò chủ đạo, then chốt trong thị trường dịch vụ sự nghiệp công; cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu có chất lượng ngày càng cao. Giảm mạnh đầu mối, khắc phục tình trạng manh mún, dàn trải và trùng lắp; tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, viên chức. Giảm mạnh tỷ trọng, nâng cao hiệu quả chi ngân sách nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập để cơ cấu lại ngân sách nhà nước, cải cách tiền lương và nâng cao thu nhập cho cán bộ, viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập. Phát triển thị trường dịch vụ sự nghiệp công và thu hút mạnh mẽ các thành phần kinh tế tham gia phát triển dịch vụ sự nghiệp công”. Nghị quyết đã đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần triển khai theo các mục tiêu được cụ thể hóa từ mục tiêu tổng quát trên với lộ trình từ nay đến năm 2021 và từ năm 2025 đến năm 2030 để tiếp tục thực hiện đổi mới hệ thống tổ chức và hoạt động của các đơn vị SNCL, trong đó trọng tâm cần lưu ý các vấn đề sau:

Một là, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền Nghị quyết nhằm nâng cao nhận thức, tạo đồng thuận ở các ngành, các cấp, các đơn vị sự nghiệp và toàn xã hội, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị SNCL, đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ SNC.

Hai là, sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị SNCL. Hoàn thiện các quy định của pháp luật về tiêu chí phân loại, điều kiện thành lập, sáp nhập, hợp nhất, giải thể các đơn vị SNCL theo từng ngành, lĩnh vực. Trên cơ sở đó, sắp xếp, tổ chức lại đơn vị SNCL của từng ngành, lĩnh vực. Cụ thể:

 

- Đối với lĩnh vực giáo dục - đào tạo: Sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể các trường đại học, cơ sở giáo dục - đào tạo hoạt động không hiệu quả, không nhất thiết tỉnh nào cũng có trường đại học, tập trung xây dựng một số trường sư phạm trọng điểm để đào tạo đội ngũ giáo viên và quản lý giáo dục. Nhà nước tập trung đầu tư chiều sâu, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực chất lượng cao đối với các trường đại học công lập ở một số lĩnh vực mang tầm cỡ khu vực và quốc tế. Các trường trong quân đội, công an chỉ thực hiện nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực cho lực lượng vũ trang. Sắp xếp, tổ chức lại, chuyển đổi mô hình ra ngoài công lập gắn với nâng cao chất lượng giáo dục, hình thành trường phổ thông nhiều cấp học (tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của mỗi địa phương, địa bàn cụ thể; bảo đảm quy mô, cơ cấu và hợp lý về ngành, nghề, trình độ đào tạo, chuẩn hóa, hiện đại hóa, có phân tầng chất lượng đối với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Nhà nước tập trung đầu tư một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cho các nhóm đối tượng đặc thù phù hợp với khả năng đầu tư của Nhà nước và khả năng huy động nguồn lực của xã hội.

- Đối với lĩnh vực y tế: Tổ chức các cơ sở y tế theo hướng toàn diện, liên tục và lồng ghép theo 3 cấp (chăm sóc ban đầu, chăm sóc cấp 2, chăm sóc cấp 3). Sắp xếp lại các đơn vị làm nhiệm vụ kiểm nghiệm, kiểm định, kiểm chuẩn thành đơn vị kiểm soát dược phẩm, thực phẩm và thiết bị y tế. Sớm hoàn thành trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh cùng cấp trên cơ sở sáp nhập các tổ chức, đơn vị có cùng chức năng, nhiệm vụ và hoạt động lồng ghép. Rà soát, sắp xếp hợp lý các phòng khám đa khoa khu vực, thực hiện thống nhất mô hình mỗi cấp huyện chỉ có một trung tâm y tế đa chức năng (trừ các huyện có bệnh viện đạt hạng II trở lên), trực tiếp quản lý trạm y tế xã và phòng khám đa khoa khu vực (nếu có). Chuyển dần các bệnh viện thuộc Bộ Y tế và các bộ, cơ quan nhà nước ở Trung ương về địa phương quản lý (trừ các bệnh viện thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; một số ít bệnh viện chuyên khoa đầu ngành, bệnh viện của các trường đại học). Xây dựng một số bệnh viện hiện đại ngang tầm khu vực và quốc tế.

- Đối với lĩnh vực khoa học - công nghệ: Rà soát, sắp xếp lại hệ thống tổ chức khoa học - công nghệ, khắc phục tình trạng chồng chéo, dàn trải, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực nghiên cứu, gắn với quá trình cơ cấu lại ngành khoa học và công nghệ. Lựa chọn để tập trung đầu tư một số tổ chức nghiên cứu khoa học cơ bản và khoa học ứng dụng đạt trình độ khu vực và thế giới. Phát triển, nâng cao năng lực hệ thống các tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ, phát triển mạnh mẽ thị trường khoa học - công nghệ phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chuyển một số tổ chức khoa học và công nghệ hoạt động nghiên cứu ứng dụng mà sản phẩm khoa học có khả năng thương mại hóa thành doanh nghiệp hoặc chuyển về trực thuộc các tập đoàn kinh tế, tổng công ty. Có cơ chế tăng cường liên kết giữa các tổ chức khoa học và công nghệ với các trường đại học và doanh nghiệp để gắn kết nghiên cứu khoa học với hoạt động đào tạo và sản xuất, kinh doanh.

- Đối với lĩnh vực văn hóa, thể dục, thể thao: Sắp xếp lại, nâng cao năng lực các đơn vị nghệ thuật biểu diễn công lập theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả. Tiếp tục duy trì các đơn vị nghệ thuật truyền thống tiêu biểu, chỉ giữ lại một đoàn nghệ thuật công lập truyền thống tiêu biểu của địa phương. Chuyển các đơn vị nghệ thuật khác sang hình thức ngoài công lập. Hợp nhất trung tâm văn hóa và đoàn nghệ thuật cấp tỉnh thành một đầu mối. Sáp nhập các trung tâm có chức năng, nhiệm vụ tương đồng thuộc sở văn hóa, thể thao và du lịch thành một đầu mối; các trung tâm văn hóa, trung tâm thể thao, nhà văn hóa... trên địa bàn cấp huyện thành một đầu mối. Kiện toàn, củng cố thư viện công cộng cấp huyện với các mô hình, thiết chế đã có; việc thành lập mới chỉ được thực hiện tại các địa phương có nhu cầu và điều kiện cho phép. Hoàn thiện, nâng cao chất lượng và mở rộng phạm vi hoạt động cấp quốc gia đối với một số bảo tàng chuyên ngành có các bộ sưu tập quý hiếm, có giá trị nghiên cứu khoa học để thu hút khách tham quan và phát triển du lịch.

- Đối với lĩnh vực thông tin và truyền thông: Đẩy mạnh thực hiện việc sắp xếp theo Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025 đã được Bộ Chính trị khóa XI thông qua. Chuyển hầu hết các nhà xuất bản sang đơn vị sự nghiệp có thu; trường hợp thật sự cần thiết, đủ điều kiện thì cho phép chuyển sang công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên 100% vốn nhà nước. Kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực hoạt động của các đơn vị sự nghiệp về an toàn thông tin. Tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công nghệ thông tin khác. Rà soát, sắp xếp, hoàn thiện mô hình tổ chức, hoạt động của các đơn vị sự nghiệp thuộc các cơ quan Trung ương, địa phương theo hướng tinh gọn, nâng cao năng lực hoạt động, bảo đảm tính thống nhất trong quản lý, chỉ đạo, điều hành về hoạt động thông tin và truyền thông.

- Sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác: Chuyển mạnh các đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác có đủ điều kiện thành công ty cổ phần. Giải thể các đơn vị sự nghiệp kinh tế hoạt động không hiệu quả.

 

- Về lĩnh vực bảo trợ xã hội, chăm sóc người có công: Tổ chức lại các cơ sở trợ giúp xã hội theo hướng hỗ trợ chăm sóc phục hồi chức năng, trợ giúp các nhóm đối tượng dựa vào cộng đồng. Phát triển các trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hợp nhất các trung tâm bảo trợ có chức năng, nhiệm vụ tương đồng thành trung tâm bảo trợ đa chức năng.

- Về lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn: Sắp xếp lại, giảm mạnh đầu mối và nâng cao hiệu quả hoạt động các đơn vị sự nghiệp. Hợp nhất trạm chăn nuôi và thú y, trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật, trạm khuyến nông, khuyến ngư,... cấp huyện thành trung tâm dịch vụ nông nghiệp trực thuộc ủy ban nhân dân cấp huyện và chuyển một số chức năng, nhiệm vụ về quản lý nhà nước ở các đơn vị này về phòng nông nghiệp (hoặc phòng kinh tế) cấp huyện. Sáp nhập các cơ quan tương ứng ở cấp tỉnh, đưa chức năng quản lý nhà nước của các cơ quan này về sở nông nghiệp và phát triển nông thôn. Rà soát, sắp xếp lại, kiện toàn các ban quản lý rừng phòng hộ theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Chuyển các trung tâm phát triển quỹ đất về trực thuộc ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý.

- Nghiên cứu việc hợp nhất các cơ sở đào tạo về lý luận chính trị của Đảng với các cơ sở đào tạo về quản lý hành chính ở địa phương theo hướng tinh gọn tổ chức bộ máy, tạo sự thống nhất và liên thông giữa các khu vực, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động đào tạo cán bộ cho hệ thống chính trị. Nghiên cứu, đổi mới mô hình tổ chức của các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện, giao cho các trường chính trị tỉnh chịu trách nhiệm về hướng dẫn chuyên môn, tăng cường cán bộ giảng dạy kiêm nhiệm của cấp ủy cấp huyện.

Ba là, quản lý biên chế và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đổi mới cơ chế xác định và giao biên chế theo hướng quản lý, giám sát chặt chẽ biên chế của các đơn vị SNCL do NSNN bảo đảm toàn bộ hoặc một phần chi thường xuyên; đẩy mạnh thí điểm việc thi tuyển và thực hiện thuê giám đốc điều hành tại các đơn vị SNCL. Thực hiện chế độ hợp đồng viên chức có thời hạn đối với những trường hợp tuyển dụng mới (trừ các đơn vị SNCL ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn). Không thực hiện chế độ công chức trong đơn vị SNCL (trừ các đơn vị phục vụ nhiệm vụ chính trị và phục vụ quản lý nhà nước). Thực hiện nghiêm việc đánh giá, phân loại viên chức hằng năm theo quy định hiện hành để đưa ra khỏi đội ngũ những người 2 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ. Tổ chức phân loại viên chức theo vị trí việc làm và sắp xếp, bố trí lại cơ cấu viên chức theo hướng vị trí chuyên môn, nghiệp vụ chiếm tỷ lệ ít nhất 65%. Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ, bố trí, sử dụng hợp lý, hiệu quả đội ngũ này. Rà soát, sắp xếp, cơ cấu lại và tinh giản biên chế đối với các chức danh kế toán, y tế học đường tại các trường mầm non, phổ thông và các chức danh lái xe, bảo vệ, nhân viên phục vụ trong các đơn vị SNCL.

Chấm dứt việc tự phê duyệt và giao biên chế sự nghiệp vượt quá số lượng được cơ quan có thẩm quyền giao hoặc thẩm định; có kế hoạch và giải pháp để giải quyết dứt điểm số viên chức và số người lao động vượt quá số biên chế được giao (trừ các đơn vị đã tự chủ tài chính). Quy định và thực hiện nghiêm về số lượng lãnh đạo cấp phó.

Đổi mới cơ chế, phương thức tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức (bao gồm cả cán bộ quản lý). Có chính sách thu hút nhân tài, thu hút đội ngũ viên chức có chuyên môn, nghiệp vụ giỏi vào làm việc trong đơn vị SNCL. Thực hiện đào tạo lại, hỗ trợ thích hợp đối với viên chức và người lao động dôi dư do sáp nhập, giải thể hoặc chuyển thành đơn vị sự nghiệp ngoài công lập.

Bốn là, đẩy mạnh cung ứng dịch vụ SNC theo cơ chế thị trường, thúc đẩy xã hội hóa dịch vụ SNC. Rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách tạo điều kiện đẩy mạnh cung ứng dịch vụ SNC theo cơ chế thị trường và thúc đẩy xã hội hóa trong việc cung cấp các dịch vụ SNC. Chuyển đổi các đơn vị SNCL có đủ điều kiện sang công ty cổ phần. Không tách, điều chuyển các cơ sở đào tạo, giáo dục nghề nghiệp và khám, chữa bệnh trong các tập đoàn, tổng công ty nhà nước khi các tập đoàn, tổng công ty này thực hiện cổ phần hóa.

Đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế tự chủ, xã hội hóa, trước hết là các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở y tế, tổ chức khoa học và công nghệ ở các địa bàn có khả năng xã hội hóa cao. Có chính sách thí điểm đổi mới theo lộ trình, đẩy mạnh xã hội hóa các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông ở các địa bàn có khả năng xã hội hóa cao. Thực hiện chuyển đổi hoạt động của các đơn vị SNCL đủ điều kiện sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, hạch toán như doanh nghiệp.

Khuyến khích thành lập các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, nhất là trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, y tế, khoa học và công nghệ. Có cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi để thành lập doanh nghiệp đa sở hữu trong các viện nghiên cứu, trường đại học nhằm thực hiện hoạt động ứng dụng, triển khai, thương mại hóa các kết quả nghiên cứu và cung ứng dịch vụ SNC. Tăng cường gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp theo hướng khuyến khích các doanh nghiệp phát triển các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để đào tạo đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động. Xây dựng chính sách để doanh nghiệp được tham gia giáo dục nghề nghiệp theo hình thức đặt hàng của Nhà nước và của doanh nghiệp khác; được tham gia xây dựng danh mục ngành, nghề đào tạo, xây dựng chương trình đào tạo, đào tạo tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp và đánh giá kết quả học tập của học sinh, sinh viên.

Có chính sách thuận lợi để tổ chức khoa học và công nghệ công lập được quyền sở hữu và có cơ chế phân chia lợi ích hợp lý đối với kết quả nghiên cứu khoa học sử dụng NSNN, tạo điều kiện và thúc đẩy quá trình thương mại hóa ứng dụng kết quả nghiên cứu. Tiếp tục thực hiện cơ chế kết hợp công - tư về nhân lực và thương hiệu trong lĩnh vực y tế; xây dựng cơ chế hợp tác đầu tư giữa bệnh viện công và bệnh viện tư, giữa các bệnh viện công. Minh bạch hóa các hoạt động liên doanh, liên kết, hợp tác công - tư, nhất là ở các đơn vị thuộc lĩnh vực do Nhà nước cấp phép hoạt động; bảo toàn và phát triển vốn, tài sản nhà nước.

Năm là, nâng cao năng lực quản trị của đơn vị SNCL. Đổi mới phương thức quản lý, nâng cao năng lực quản trị đơn vị. Rà soát, hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy bên trong từng đơn vị, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và khoa học - công nghệ tiên tiến, áp dụng các tiêu chuẩn, chuẩn mực quản trị quốc tế. Nâng cao chất lượng quản trị tài chính, tài sản công của đơn vị. Ban hành quy chế quản lý tài chính, tài sản công, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng bộ phận, cá nhân, nhất là trách nhiệm người đứng đầu. Hoàn thiện chế độ kế toán, thực hiện chế độ kiểm toán, giám sát, bảo đảm công khai, minh bạch hoạt động tài chính của đơn vị SNCL. Áp dụng mô hình quản trị đối với các đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, như mô hình quản trị doanh nghiệp. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả cơ chế hội đồng trường trong các trường đại học theo hướng hội đồng trường là cơ quan thực quyền cao nhất của trường đại học; bí thư đảng ủy kiêm chủ tịch hội đồng trường. Thực hiện kiểm định, đánh giá và xếp hạng các đơn vị SNCL, nhất là đối với trường đại học, bệnh viện.

Sáu là, hoàn thiện cơ chế tài chính. Hoàn thiện pháp luật về cơ chế tự chủ đối với các đơn vị SNCL thuộc các ngành, lĩnh vực trên cơ sở mức độ tự chủ về tài chính, tăng cường phân cấp và tăng tính chủ động cho các đơn vị SNCL. Có cơ chế tài chính phù hợp để huy động mọi nguồn lực xã hội đầu tư cho lĩnh vực dịch vụ SNC, nhất là cho y tế và giáo dục, kể cả hình thức hợp tác công - tư, liên doanh, liên kết. Phân định rõ hoạt động thực hiện nhiệm vụ chính trị do Nhà nước giao với hoạt động kinh doanh dịch vụ của các đơn vị SNCL. Xây dựng và hoàn thiện các danh mục dịch vụ SNC sử dụng NSNN. Đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi từ phí sang thực hiện giá dịch vụ SNC.

Đổi mới cơ chế phân bổ nguồn lực, quản lý, cấp phát NSNN. Ngân sách nhà nước bảo đảm đầu tư cho các dịch vụ công cơ bản, thiết yếu và đối với các đơn vị SNCL ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ngân sách nhà nước chuyển từ hỗ trợ cho các đơn vị SNCL sang hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng người nghèo, đối tượng chính sách khi sử dụng dịch vụ SNC cơ bản, thiết yếu; chuyển từ hỗ trợ theo cơ chế cấp phát bình quân sang cơ chế Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ SNC căn cứ vào chất lượng đầu ra hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ SNC. Thực hiện cơ chế giao vốn, tài sản cho đơn vị SNCL; xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu về tài chính và tài sản công của đơn vị SNCL trong toàn quốc.

Phân loại các đơn vị SNCL theo mức độ tự chủ khác nhau về tài chính. Các đơn vị được giao tự chủ tài chính ổn định từ 3 đến 5 năm theo phương án thu chi tài chính được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đối với các đơn vị được Nhà nước bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động, cần đẩy mạnh thực hiện cơ chế khoán chi. Rà soát các quy định về thuế nhằm khuyến khích tự chủ tài chính và có tích lũy cho đầu tư. Có cơ chế, chính sách đủ mạnh để tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích việc tinh giản biên chế, bổ sung vào diện tinh giản biên chế một số đối tượng hưởng lương từ NSNN. Bảo đảm nguồn kinh phí để giải quyết chính sách đối với những người dôi dư do sắp xếp, tổ chức lại đơn vị SNCL và thực hiện tinh giản biên chế.

Bảy là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Sửa đổi, bổ sung pháp luật về công chức, viên chức, đội ngũ nhà giáo và pháp luật có liên quan. Đẩy mạnh việc phân cấp, giao quyền tự chủ cho các đơn vị SNCL theo hướng phân định rõ việc quản lý nhà nước với quản trị đơn vị SNCL và việc cung ứng dịch vụ SNC. Rà soát, hoàn thiện quy hoạch định hướng mạng lưới các đơn vị SNCL gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và từng địa phương; chuyển từ quy hoạch theo đơn vị hành chính sang quy hoạch theo ngành, lĩnh vực, nhu cầu của xã hội và thị trường. Ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật đối với từng loại hình dịch vụ SNC; tiêu chí phân loại các đơn vị SNCL; tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ và chất lượng dịch vụ của đơn vị SNCL theo ngành, lĩnh vực; hệ thống tiêu chuẩn chức danh những người làm việc trong đơn vị SNCL; thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong quản lý, điều hành đơn vị SNCL, cơ chế giám sát, kiểm tra trách nhiệm của người đứng đầu. Lấy kết quả thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế hằng năm là một trong những tiêu chí để đánh giá, xếp loại kết quả công tác của người đứng đầu cấp ủy, đơn vị SNCL.

Tăng cường phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành với cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư, tài chính các cấp trong quản lý NSNN chi cho lĩnh vực sự nghiệp, nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN, tránh chồng chéo, lãng phí. Quy định rõ quyền hạn gắn với trách nhiệm người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, đặc biệt là người đứng đầu đơn vị SNCL. Tăng cường công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các đơn vị cung ứng dịch vụ SNC. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cố tình né tránh hoặc không thực hiện nhiệm vụ được giao đối với đơn vị SNCL. Hình thành các tổ chức kiểm định, đánh giá độc lập về chất lượng dịch vụ SNC theo ngành, lĩnh vực.

Tám là, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. Các cấp ủy và tổ chức đảng phải thường xuyên quan tâm lãnh đạo tổ chức và hoạt động của các đơn vị SNCL. Ban hành quy định về vai trò và chức năng lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng trong đơn vị SNCL. Phát huy vai trò của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong giám sát, phản biện xã hội đối với tổ chức và hoạt động của các đơn vị SNCL./.

Vương Đình Huệ, GS,TS, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ

-------------------------------------

(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 107

(2), (3) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Sđd, tr. 276, 277

 

Theo www.tapchicongsan.org.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết





 

Bộ đếm

Đang truy cậpĐang truy cập : 14


Hôm nayHôm nay : 2322

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 41809

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 4774898

Văn bản chỉ đạo các cấp

Văn bản học tập chính trị
Học chế tín chỉ
Danh sách giảng viên cơ hữu
DANH SÁCH THÍ SINH ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN SINH CAO ĐẲNG 2015
Thông báo tuyển sinh
Chuan dau ra cac nganh
Bo ngoai giao
vinades