Cô Tea Vuorinen trò chuyện với học sinh tại Trường Viikki - Ảnh: Quỳnh Trung |
Giáo viên ân cần chăm sóc cậu học sinh bị mắc chứng tự kỷ (áo khoác màu xanh) tại trường Viikki. Ảnh: Quỳnh Trung. Ảnh: Quỳnh Trung |
Khác với nhiều nước phương Tây, nghề giáo ở Phần Lan được đặc biệt xem trọng trong xã hội. Sinh viên muốn thi vào ngành sư phạm phải trải qua nhiều vòng thi sát hạch gắt gao với tỉ lệ chọi khoảng 1/10.
Giáo viên ở Phần Lan toàn tâm toàn ý cho nghề dạy học và hoàn toàn không có khái niệm dạy thêm bên ngoài.
Trong chuyến thăm Phần Lan cùng đoàn nhà báo quốc tế, phóng viên Tuổi Trẻ có cuộc trao đổi thú vị với cô Tea Vuorinen, giáo viên lớp 7 Trường Viikki Teaching Training School ở thủ đô Helsinki.
Sự lựa chọn trân trọng của xã hội
Cô Tea Vuorinen trông trẻ hơn so với cái tuổi 28, hiện đang là giáo viên lớp 7. Cô Tea cho biết mình thuộc trong số 10% thí sinh được chọn vào học trường sư phạm sau khi nhà trường xem xét điểm trung học, bài thi sát hạch đầu vào và khả năng sư phạm của cô. Những sinh viên may mắn như cô Tea sẽ phải học từ 5-6 năm trước khi có thể đứng lớp một mình.
“Ở một số nước châu Âu, nghề giáo là lựa chọn cuối cùng. Tuy nhiên ở Phần Lan, nghề giáo được đánh giá cao hơn so với các nghề khác trong xã hội. Đối với các học sinh trung học, nghề giáo là một nghề rất cao quý và rất có danh tiếng" - cô giáo Tea chia sẻ.
Nói về lý do trở thành giáo viên, cô Tea kể: “Ở Phần Lan, bạn có nhiều sự lựa chọn và mọi thứ đều miễn phí. Bạn không cần phải trả tiền nhiều hơn để trở thành giáo viên, bác sĩ hay kỹ sư. Do đó, tôi cũng có nhiều lựa chọn. Tôi nghĩ về nhiều nghề khác. Nhưng cuối cùng tôi chọn nghề giáo vì phù hợp với sở thích, khả năng và đam mê của mình. Ngoài ra, tôi cũng muốn làm điều gì đó ý nghĩa cho xã hội”.
Khi được hỏi có dạy thêm ngoài giờ hay làm công việc thứ hai để kiếm thêm thu nhập không, cô Tea tỏ ra khá bất ngờ. Cô Tea cho biết mức lương của giáo viên đủ để cô sống thoải mái, mà không cần quan tâm đến việc phải kiếm nghề tay trái để trang trải cuộc sống, thậm chí là ở các thành phố đắt đỏ như thủ đô Helsinki.
“Giáo viên ở Phần Lan hoàn toàn không có dạy thêm. Nếu học sinh nào muốn phụ đạo thêm sau giờ học, nhà trường sẽ sắp xếp và phân công giáo viên, và giáo viên sẽ được nhà trường trả công thêm. Tuy nhiên, nếu phụ huynh nào gọi điện nhờ tôi giúp đỡ con cái của họ, tôi sẽ sẵn sàng trong thời gian cho phép nhưng họ không phải trả tiền cho tôi" - cô Tea nói.
Nhiệm vụ chính: tìm hiểu học sinh
Cô Tea cho biết học sinh ở Phần Lan học hành không quá căng thẳng. Giáo viên chủ yếu trao cho học sinh những phương tiện và kỹ năng để chúng theo đuổi việc học suốt đời. “Điều quan trọng nhất là học sinh phải được cung cấp những phương tiện để các em có thể tìm thông tin chúng muốn. Ngoài ra, các em cũng được hướng dẫn cách hòa nhập với những người khác. Bởi vì khi các em ra đời và tìm việc làm, chúng sẽ biết cách hòa nhập với người khác, biết tự tin vào những điểm mạnh của mình" - cô giáo Tea nói.
Cô Tea cho biết trong lớp học cô thường cố gắng giúp các học sinh phát huy điểm mạnh của chúng và tập trung giúp đỡ các em khi cần thiết. Khi nhận lớp mới, điều đầu tiên cô làm chính là tìm hiểu kỹ từng em học sinh để hiểu rõ về tình hình học tập và nhu cầu của từng em. Ngoài ra, cô Tea cũng thường xuyên trao đổi với phụ huynh về tình hình học tập của con em họ qua email hoặc qua ứng dụng nhắn tin WhatsApp.
Tác giả quyển sách Giáo dục Việt Nam và Phần Lan, tiến sĩ Nguyễn Khánh Trung, cho biết ở Phần Lan phong cách giảng dạy của mỗi giáo viên hoàn toàn mang dấu ấn riêng của từng cá nhân. Quan niệm giáo dục toàn diện của người Phần Lan không phải là dạy cho học sinh nhiều môn, nhiều thứ mà là giáo dục cho trẻ nhỏ phát triển về mọi mặt như kiến thức, kỹ năng hằng ngày, ý thức trách nhiệm với công việc ở trường và ở nhà, sự tôn trọng người khác, tinh thần hợp tác khi làm việc nhóm, cách thức tổ chức và kế hoạch cuộc sống, óc sáng tạo và khả năng tự đánh giá bản thân.
Bên cạnh đó, hệ thống giáo dục ở Phần Lan không yêu cầu tính cạnh tranh, không đưa ra việc thi đua khen thưởng giữa các học sinh với nhau trong lớp, trong trường cũng như giữa các trường hay các vùng với nhau. Học sinh Phần Lan từ lớp 1 đến lớp 9 không phải trải qua một kỳ thi chung nào, chỉ đến cuối lớp 9 mới có một kỳ thi quốc gia nhưng không bắt buộc.
Tiến sĩ Nguyễn Khánh Trung đánh giá đó là một hệ thống quản lý dựa trên lòng tin, tin vào các học sinh, tin vào khả năng đánh giá và sự công tâm, chuyên nghiệp của các giáo viên đứng lớp nên không cần những cuộc kiểm tra chung ở trường hay trong khu vực.
Nghề cần chuyên môn cao
Ở Phần Lan, sự trọng vọng đối với nghề giáo cũng đồng nghĩa với sự đòi hỏi chuyên môn cao ở các giáo viên. Nếu bạn muốn làm giáo viên cấp giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và cấp học General Secondary School (thời gian học chuyển từ bậc giáo dục cơ bản lên đại học) phải có bằng thạc sĩ chuyên môn.
Giáo viên dạy nghề cũng phải có bằng sau đại học, kinh nghiệm chuyên môn trong lĩnh vực đó và chứng chỉ sư phạm.
Trong khi đó, những người làm công tác quản lý giáo dục ngoài việc được yêu cầu phải có kinh nghiệm làm việc phù hợp, còn cần có bằng thạc sĩ hoặc chứng chỉ giảng dạy và chứng chỉ quản lý giáo dục. Hiệu trưởng trường đại học phải có bằng tiến sĩ hoặc học vị giáo sư.
Giáo viên được xem là chìa khóa trong việc cung cấp chất lượng giáo dục đại học, do vậy Phần Lan liên tục chú trọng bảo đảm và nâng cao nghiệp vụ của đội ngũ giáo viên. Ở mọi cấp học, giáo viên được yêu cầu phải tham gia khóa huấn luyện chuyên môn mỗi năm. Được tham gia khóa huấn luyện này là một vinh dự với các giáo viên nên họ rất chủ động tích cực tham dự.
Lương Thị Linh theo QUỲNH TRUNG (http://tuoitre.vn/)
Đang truy cập : 43
Hôm nay : 873
Tháng hiện tại : 12445
Tổng lượt truy cập : 5226906