Phát triển nguồn lực con người và một số nhân tố cơ bản ảnh hưởng đến phát triển nguồn lực con người trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta hiện nay.

Bài viết - Trao đổi

Bài viết - Trao đổi

1. Khái niệm phát triển nguồn lực con người




Vấn đề con người, nguồn lực con người và phát triển nguồn lực con người đã được các nhà tư tưởng nói chung, các nhà triết học nói riêng đề cập nhiều trong các tác phẩm của mình. Tuy nhiên, chỉ đến năm 1848, khi C.Mác và Ph.Ăngghen xuất bản tác phẩm: “Tuyên ngôn của Đảng cộng sản” - tác phẩm gối đầu giường của những người mácxít chân chính thì vấn đề này mới được xem xét một cách thấu đáo và triệt để. Hai ông khẳng định: “Thay cho xã hội tư sản cũ, với những giai cấp và đối kháng giai cấp của nó, sẽ xuất hiện một liên hợp, trong đó, sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”(1). Thay thế xã hội tư sản cũ ở đây chính là sự ra đời của chế độ xã hội mới - xã hội cộng sản chủ nghĩa mà giai đoạn đầu là xã hội - xã hội chủ nghĩa. Đây chính là môi trường thuận lợi, là điều kiện tiên quyết, là “bầu không khí vô trùng” cho sự phát triển tự do của con người và xã hội loài người.
Hiện nay, có rất nhiều các quan niệm khác nhau về phát triển nguồn lực con người. Có ý kiến cho rằng: nguồn lực con người chính là nguồn nhân lực, ý kiến khác lại cho rằng: nguồn lực con người chỉ là một thành tố trong nội hàm khái niệm nguồn nhân lực. Chẳng hạn, theo thuyết lao động thì nguồn nhân lực được phân thành hai nghĩa: Nghĩa rộng của nguồn nhân lực là nơi cung cấp sức lao động cho nền sản xuất xã hội. Nghĩa hẹp của nguồn nhân lực là khả năng lao động xã hội, gồm các nhóm dân cư trong độ tuổi lao động tham gia vào các quá trình sản xuất của xã hội, là tổng thể các yếu tố về thể chất và tinh thần được huy động vào quá trình lao động. Theo quan điểm của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) thì nguồn nhân lực là lực lượng lao động, là tổng thể các tiềm năng lao động của con người của một quốc gia đã được chuẩn bị ở một mức độ nhất định, có khả năng huy động vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ngân hàng thế giới (WB) lại cho rằng: Nguồn nhân lực là toàn bộ vốn con người gồm: thể lực, trí tuệ, kỹ năng nghề nghiệp mà mỗi cá nhân sở hữu, có thể huy động được trong quá trình sản xuất, kinh doanh hay một hoạt động nào đó. Như thế, nguồn nhân lực được xem như một nguồn lực bên cạnh các nguồn vốn vật chất khác và đầu tư cho con người được đặt lên hàng đầu, ưu tiên đầu tư cho con người là ưu tiên đầu tư cho phát triển và là nguồn cội cho sự phát triển bền vững. Tỏ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục thế giới (UNESCO), cho rằng: Phát triển nguồn nhân lực là làm cho toàn bộ sự lành nghề của dân cư luôn luôn phù hợp trong mối quan hệ với sự phát triển của đất nước.
Có ý kiến lại cho rằng, cần phân biệt khái niệm nguồn nhân lực với các khái niệm giống gần gũi với nó như: dân số, sức lao động, nguồn lao động, lực lượng lao động, tiềm năng lao động,..Theo từ điển Tiếng Việt, sức lao động “là năng lực lao động của con người bao gồm thể lực và trí lực”(2). Như thế, sức lao động tồn tại trong cơ thể sống của một con người, có thể mang ra vận dụng để sản xuất ra một giá trị sử dụng nào đó, thỏa mãn nhu cầu của chính bản thân cá nhân người lao động. Đồng thời, tạo ra giá trị cho người có sức lao động, cho xã hội và giá trị sử dụng cho người tiêu dùng. Lực lượng lao động là số lượng và chất lượng những người lao động được tính theo các tiêu chuẩn trung bình về khả năng lao động có thể sử dụng.
Các nhà sáng lập ra chủ nghĩa Mác - Lênin khẳng định: Hành vi lịch sử đầu tiên của con người và xã hội loài người chính là hoạt động lao động sản xuất nhằm tạo ra các giá trị của cải vật chất và tinh thần. Đồng thời, thông qua quá trình đó, con người cải tạo chính bản thân mình. Trong tác phẩm: “Luận cương về Phoi ơ bắc” C.Mác đã viết: “Bản chất con người không phải là một cái trừu tượng cố hữu của cá nhân riêng biệt. Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hòa những quan hệ xã hội”(3. Như vậy, nói đến nguồn lực con người chính là nói đến nhân tố con người và là thành tố nhân lõi trong nội hàm khái niệm nguồn nhân lực.
Tóm lại, phát triển nguồn lực con người là quá trình không ngừng làm gia tăng số lượng và chất lượng nguồn nhân lực, là nền tảng, cơ hội để nâng cao vai trò của nguồn lực con người, làm tăng những giá trị bản chất, cốt lõi và ý nghĩa lớn lao của nguồn lực này trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
Từ cách tiếp cận trên, ta có thể thấy, nói đến phát triển nguồn lực con người là nói đến sự phát triển số lượng và chất lượng nguồn lực con người. Trong đó, phát triển chất lượng nguồn lực con người được xem là hạt nhân, tạo động lực lan tỏa và có ý quan trọng nhất trong phát triển nguồn lực con người. Chiến lược phát triển nguồn nhân lực thời kỳ 2011 - 2020, Đảng và Nhà nước ta khẳng định: “Phát triển nhân lực toàn diện, gồm những yếu tố thể lực, trí lực, kỹ năng, hành vi và ý thức chính trị, xã hội theo yêu cầu phát triển toàn diện con người và phát triển con người bền vững”(4). Để phát triển nguồn lực con người trong điều kiện của đất nước và bối cảnh quốc tế hiện nay có rất nhiều các nhân tố kích ứng. Có những nhân tố thuận lợi, tạo đà thuận lợi, làm bước đệm vững chắc để phát triển nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp cách mạng trong điều kiện mới, nhưng cũng có những nhân tố trở thành vật cản cho quá trình phát triển nguồn nhân lực, gây bất lợi cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội, chủ động hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế ở nước ta hiện nay.
2. Một số nhân tố cơ bản ảnh hưởng đến phát triển nguồn lực con người trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta hiện nay
Quá trình sản xuất xã hội càng hoàn thiện thì việc hoàn thiện năng lực của người lao động của con người ngày càng có chất lượng cao hơn, tức là chất lượng nguồn nhân lực cũng ngày càng hoàn thiện và phát triển. Tuy nhiên, sức lao động của con người, năng lực lao động của người lao động nói riêng, chất lượng nguồn nhân  lực nói chung đang chịu sự tác động của rất nhiều các nhân tố. Để thực sự trở thành nguồn vốn cốt lõi, tạo sự phát triển bền vững cho đất nước, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta cần chú ý tới một số nhân tố cơ bản sau:
2.1.  Các nhhân tố khách quan
Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin đã khẳng định và luận chứng rằng,  sự tồn tại và phát triển của con người nói chung, nguồn nhân lực nói riêng luôn chị sự tác động, chi phối và quy định của nhiều các nhân tố: môi trường tự nhiên, môi trường xã hội, môi trường kinh tế, môi trường chính trị - xã hội,..Phê phán những điều sai lầm của Phoi ơ bắc khi bần về vấn đề con người và bản chất con người, C.Mác đã khẳng định: “…Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hòa những mối quan hệ xã hội”(5). Điều đó cho thấy, mọi nghiên cứu về con người, bản chất con người, nguồn lực con người một cách tách biệt với môi trường tự nhiên, môi trường xã hội mà con người hoạt động và tồn tại đều đưa đến sai lầm. Do đó, để hiểu đúng đắn, khoa học và biện chứng về vấn đề con người, về nguồn nhân lực phải đặt trong mối quan hệ tác động biện chứng giữa các nhân tố chủ quan và khách quan.
Theo quan niệm duy vật lịch sử, để hiểu đúng vấn đề con người và nguồn lực con người thì không được tuyệt đối hóa ảnh hưởng của môi trường tự nhiên, của hoàn cảnh địa lý đến sự phát triển của con người. Đồng thời, cũng không thể không nhận thức sự ảnh hưởng của môi trường tự nhiên, hoàn cảnh địa lý đến sự hình thành ý thức của con người, nhất là ở  ý thức thông thường như: tâm lý, phong tục, tập quán,..Chính những thành tố ấy là một trong những nhân tố quan trong cấu thành chất lượng nguồn lực con người. Với tầng sâu văn bản địa hàng ngàng năm của con người Việt Nam đã tạo nên những sắc thái riêng biệt, thậm trí là đơn nhất. Sở dĩ vậy, xuất phát từ điều kiện tự nhiên của nước ta. Mặc dù có sự khác nhau về địa hình, điều kiện khí hậu, truyền thống văn hóa bản địa mang tính vùng miền nhưng tất cả đều nằm trong truyền thống văn hiến “con lạc cháu hồng”. Do vậy, có ảnh hưởng nhất định đến quá trình hoạt động của con người Việt Nam. Trong quá trình dựng nước và giữ nước, con người Việt Nam đã biết cách thích ứng với thiên, biết đồng tâm, hiệp lực, đoàn kết trong việc chế ngự thiên nhiên như: đắp đê trị thủy, làm thủy lợi tưới tiêu cho ruộng đồng, chống lũ lụt, hạn hạn,..cũng như chống giặc ngoại bang. Trong hoàn cảnh ấy, cư dân Việt đã tạo nên sự gắn bó, cấu kết cộng đồng, hình thành nên bản sắc văn hóa Việt, ở đó có sự gắn kết chặt chẽ giữa cá nhân - gia đình - làng, nước,..là những yếu tố nội sinh góp phần hình thành nhân cách con người Việt Nam giàu lòng nhân ái, lý tưởng sống cao đẹp, trí tuệ, vị tha, có đạo đức, có trách nhiệm với cộng đồng. Đây là những giá trị tinh thần to lớn cần được khơi dậy, phát huy trong quá trình xây dựng, phát triển nguồn lực con người hiện nay. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, khảng định: “Xây dựng nhân cách con người Việt Nam về lý tưởng, trí tuệ, đạo đức, lối sống, thể chất, lòng tự tôn dân tộc, trách nhiệm xã hội, ý thức chấp hành pháp luật nhất là trong thế hệ trẻ”(6).
Yêu nước là một trong những truyền thống quý báu của dân tộc, truyền thống này đã trở thành di sản mang tính đơn nhất của con người Việt Nam, trở thành bảng thang giá trị cao nhất trong thước đo phẩm giá của con người Việt, là sợi chỉ đó xuyên suốt lịch sử dựng nước và giữ nước hào sảng của dân tộc và là hạt nhân trong bản sắc văn hóa của con người Việt Nam, của dân tộc Việt Nam, là nhân tố nền tảng tạo nên bản lĩnh của dân tộc, là nguồn sức mạnh nội sinh tạo nên sức mạnh của trí tuệ, ý chí, nghị lực và quyết tâm bảo vệ và xây dựng đất nước, đưa đất nước thoát khỏi nghèo làn, lạc hậu, hiên ngang sánh vai cùng bạn bè quốc tế. Tình yêu quê hương đất nước của dân tộc Việt Nam không chỉ đơn thuần là lẽ sống của mỗi con dân đất Việt mà còn trở thành một triết lý sống - triết lý nhân sinh và cao hơn là trở thành chủ nghĩa yêu nước anh hùng cách mạng luôn biết cương nghị, cứng rắn nhưng cũng chan chứa lòng khoan dung, độ lượng, nhân từ. Là những giá trị được hình thành trong lịch sử, do con người Việt Nam tạo ra, truyền thống yêu nước là dòng chảy liên tục trong lịch sử dân tộc, được lưu truyền từ đời này sang đời khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác trở thành dòng sữa tinh thần nuôi dưỡng tâm hồn, nhân cách con người Việt. Mỗi thế hệ người Việt Nam tiếp nhận chủ nghĩa yêu nước như một điều tất yếu khách quan, tồn tại độc lập với ý thức của họ. Điều này cũng như quan hệ sản xuất là do con người tạo ra trong quá trình lao động sản xuất nhưng đó vẫn là quan hệ khách quan, là cái khách quan tồn tại.
Những nét đặc thù của điều kiện địa lý, môi trường tự nhiên hòa quện sánh đặc vào truyền thống văn hiến của lịch sử đấu tranh dựng nước, giữa nước của dân tộc, tạo nên bản tấu ca hòa sảng trường tồn cùng thời gian đã rèn luyện, hun đúc nên ở con người Việt Nam những đức tính tốt đẹp: chịu thương, chịu khó, cần cù, sáng tạo, đoàn kết, anh dũng, kiên cường, nhận lại, hiếu học,..những giá trị truyền thống tốt đẹp này tiếp tục được phát huy, khơi dậy trong bối cảnh hiện nay, trở thành nguồn sức mạnh “nội sinh”, trở thành thành tố cơ bản của cấu trúc chất lượng nguồn nhân lực nói chung, nguồn lực con người Việt Nam hiện nay nói riêng trong sự phát triển của đất nước.
Cùng với môi trường tự nhiên, môi trường văn hóa xã hội,  yếu tố thời đại cũng là một thành tố tác động không nhỏ đến việc phát triển nguồn lực con người Việt Nam hiện nay. Trong thời đại hiện nay, đánh giá sức mạnh của một quốc gia dân tộc nói chung, một cộng đồng dân tộc nói riêng không chỉ dựa đơn thuần dựa vào sức mạnh nội lực mà cần suy xét, tính đến khả năng và mức độ hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế khu vực và quốc tế của chính quốc gia đó. Trong điều kiện nền kinh tế mang tính toàn cầu như hiện nay, khi mà: “…Giá rẻ của những sản phẩm ,..là trọng pháo bắn thủng tất cả những bức vạn lý trường thành,..”(7) để đứng vững và phát triển cùng cộng đồng quốc tế, Việt Nam cần khơi dậy, phát huy mạnh mẽ sức mạnh của các yếu tố nội lực, kết hợp nhuần nhuyễn, hài hòa với sức mạnh của thời đại nhằm tạo thành bệ phóng đưa nước ta phát triển hòa nhịp với thế giới. Trong đó, yếu tố nội lực luôn giữ vai trò chủ đạo. Văn kiện Đại hội Đảng quốc lần thứ XI khẳng định: “Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế. Trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng cần kiên định ý chí độc lập, tự chủ và nêu cao tinh thần hợp tác quốc tế, phát huy cao độ nọi lực đồng thời, tranh thủ ngoại lực, kết hợp yếu tố truyền thống với yếu tố hiện đại”(8).
Điểm nghẽn trong nút thắt về nguồn lực con người Việt Nam hiện nay là thiếu nghiêm trọng các chuyên gia kỹ thuật có trình độ cao, tác phong công nghiệp, tính kỷ luật của người lao động, cán bộ quản lý giỏi,..Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế mở ra cơ hội để chúng ta nhận thức, hiểu biết về cộng đồng quốc tế và là cơ hội để người lao động Viêt  Nam trau dồi, học hỏi kinh nghiệp của bạn bè quốc tế. Với những nỗ lực của con người Việt Nam trên nền tảng và bề dày truyến thống dân tộc cùng những thuận lợi mà thời đại mang tới, chắc chắn những hạn chế, khuyết điểm trong chất lượng nguồn lực con người Việt Nam sẽ được tháo ghỡ nhanh chóng. Tuy nhiên, cùng với thuận lợi thì toàn cầu hóa, quốc tế hóa nền kinh tế cũng đang đặt ra cho chúng ta nhiều thách thức trong quá trình phát triển, nguồn nhân lực không nằm ngoài quỹ đạo này nhưng cũng trong quá trình đã trở thành động lực thôi thúc con người Việt Nam không ngững phấn đấu, vươn lên để khẳng định mình đồng thời, tránh xa nguy cơ tụt hậu so với các nước trong khu vực và quốc tế.
2.2. Các nhân tố chủ quan
Ngoài các nhân tố khách quan nêu trên, phát triển nguồn lực con người Việt Nam hiện nay còn chịu sự chi phối, tác động của các nhân tố khách quan như: Vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, sự quản lý của Nhà nước, công tác tổ chức, bố trí, sắp xếp nguồn nhân lực, các chính sách xã hội như: giáo dục và đào tạo, an sinh xã hội, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm ý tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, thất nghiệp, tiền lương, trợ cấp xã hội,..Trong đó, sự tác động từ chủ trương, đường lối, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của các chủ thể quản lý từ trung ương đến cơ sở có ý nghĩa rất to lớn. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Đảng ta khẳng định: “Chính sách xã hội tác động trực tiếp đến việc hình thành một cộng đồng xã hội văn minh, trong đó các giai cấp, tầng lớp dân cư đều có nghĩa vụ, quyền lợi chính đáng, đoàn kết chặt chẽ góp phần xây dựng nước Việt Nam giàu mạnh. Phát triển giai cấp công nhân về số lượng và chất lượng để xứng đáng là giai cấp tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Xây dựng giai cấp nông dân về mọi mặt để xứng đáng là một lực lượng cơ bản trong việc xây dựng nông thôn mới, góp phần đắc lực vào sự nghiệp công nghiệp hóa. Đào tạo, bồi dưỡng và phát huy mọi tiềm năng của đội ngũ trí thức để tạo nguồn lực trí tuệ và nhân tài cho đất nước”(9). Trái lại, nếu chính sách kinh tế - xã hội không phù hợp, không những không khai thác được tối đa các nguồn lực vào phát triển kinh tế - xã hội mà còn trở thành vật cản, dây trói, xiền xích kìm hãm sự phát triển của xã hội nói chung của nguồn lực con người nói riêng.
Dưới tác động của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa tất yếu dẫn đến việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và kéo theo việc chuyển dịch cơ cấu lao động. Tất nhiên, đi liền với đó là sự chuyển dịch của cấu trúc nguồn lực con người. Tỷ trọng lao động thành thạo ngày càng gia tăng, tỷ lệ người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật gia tăng nhanh chóng trong khi tỷ trọng lao động giản đơn, lao động chưa qua đào tạo giảm xuống đáng kể, tỷ trọng lao động trí óc ngày một tăng trong tổng chi phí lao động của xã hội. Đây là cơ hội thuận lợi để chúng ta gia tăng giá trị nguồn lực con người Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và cũng là sự đào thải  tất yếu nếu nguồn lực con người không được quan tâm, đầu tư đúng mức. Nghĩa là, người lao động Việt Nam có thể bị thua ngay trên thị trường lao động trong nước nếu nguồn lực con người không được đầu tư thỏa đáng, phù hợp với từng ngành nghề, cơ cấu lao động và cơ cấu độ tuổi trong tháp nhân lực Việt Nam.
Sự nghiệp CNH, HĐH của nước ta đến đích nhanh hay chậm, thành công hay thất bại, đất nước Việt Nam có vững bước vào thế kỷ XXI nắm giữ vị trí vững chắc, xứng đáng trong cộng đồng quốc tế hay không phụ thuộc rất lớn vào nguồn lực con người Việt Nam. Bởi vậy, chúng ta phải nhận thức một cách thấu đáo những giá trị to lớn và ý nghĩa quyết định của nguồn vốn con người với tư cách là nguồn lực của mọi nguồn lực, là chủ thể của mọi sáng tạo, là gốc dễ của mọi của cải vật chất và tinh thần. Hiểu rõ, nắm vững tinh thần nhân văn sâu sắc ấy là niềm tin khoa học để bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chủ động hội nhập vào nền kinh tế thế giới và đưa Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp hiện đại vào năm 2020, đúng như tinh thần của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng đề ra.
======================
Danh mục tài liệu tham khảo
1. Tuyên ngôn của Đảng cộng sản (Tái bản), Nxb Chính trị quốc gia, HN, 2004.
2. Nguyễn Như ý (Chủ biên), Đại từ điển Tiếng Việt, Nxb Văn hóa Thông Tin, Hà Nội 1998
3. C.Mác - Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 3, Nxb Chính trị quốc gia, HN 1995.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc thứ XI của Đảng, Nxb Chính trị quốc gia Hà Nội.
5. Lê Mậu Hãn (Chủ biên), Các Cương lĩnh cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998
 Nguyễn Đức Khiêm - Tổ lý luận chính trị