Đánh giá theo thông tư 30: “Không đơn thuần là vẽ một con điểm 8 hoặc 10”

Theo ông Nguyễn Chí Dũng - Trưởng Phòng Tiểu học của Sở GD&ĐT Hà Nội, đánh giá theo Thông tư 30 giúp học sinh nhận ra mình còn điểm yếu nào cần khắc phục, chứ không chỉ đơn thuần là vẽ một con điểm 8, điểm 10.

Tại cuộc họp của Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội chiều 18/8, ông Nguyễn Chí Dũng - Trưởng phòng tiểu học của Sở GD&ĐT Hà Nội đã đưa ra những nhận định tổng kết về việc thực hiện đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30.

Theo đó, cách đây 1 năm trở về trước, giáo dục tiểu học hầu hết đánh giá theo thang điểm 10. Học sinh phải thực hiện nhiều bài kiểm tra: 15 phút, 1 tiết, giữa kỳ, cuối kỳ... Nhiều phụ huynh cũng có phản ứng vì cho nhiều điểm quá. Việc đánh giá bằng điểm đã ăn sâu vào tâm lý học sinh và phụ huynh.

Trong năm vừa qua, Bộ GD&ĐT đã đưa ra một cách đánh giá mới đó là việc đánh giá học sinh thay vì cho điểm qua các bài kiểm tra.

Theo ông Nguyễn Chí Dũng, việc đánh giá và nhận xét theo Thông tư 30 không có nghĩa là hoàn toàn đánh giá và nhận xét, cuối kỳ vẫn có đánh giá bằng điểm, vẫn có điểm số để làm căn cứ, bản chất của nhận xét.

anh-18022014-5e17d-637bd
Sở GD&ĐT Hà Nội nhận định việc đánh giá học sinh theo thông tư 30 là một phương pháp tốt giúp học sinh tiến bộ.

Không những thế, không chỉ giáo viên mà cả phụ huynh nhận xét học sinh, có góp ý phản hồi gia đình, nhà trường. Học sinh trong từng tổ, nhóm cũng được trao đổi, nhận xét giúp học sinh nhận ra mình còn điểm yếu nào cần khắc phục. Chứ không chỉ đơn thuần là vẽ 1 con điểm 8, điểm 10.

Theo đánh giá của ông Ngô Văn Chất, Trưởng phòng Quản lý thi, Sở GD&ĐT Hà Nội, việc triển khai Thông thư 30 là một phương pháp tốt, hiệu quả, cách đánh giá mới này nhiều người chưa nhận thức đầy đủ nhưng quá trình học vừa qua, bằng các nhận xét, đánh giá và bài kiểm tra bằng điểm. Học sinh ở Hà Nội không chỉ giữ vững mà còn nâng cao về chất lượng.

Bên cạnh đó, theo ông Ngô Văn Chất, trong năm học vừa qua, Sở GD&ĐT Hà Nội chỉ đạo tất cả các trường trung học cơ sở trên địa bàn thực hiện tổ chức theo hình thức xét tuyển, không thi tuyển. Kết quả của phương thức xét tuyển đã giúp các nhà trường cũng đã chọn được những học sinh theo tiêu chí đặt ra.

“Cho đến thời điểm hiện tại Sở GD&ĐT chưa nhận được thông tin nào phản ánh hiện tượng tiêu cực hay không đúng của việc xét tuyển này”, ông Chất cho hay.

Cụ thể hơn, bà Lê Kim Anh, Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Cầu Giấy, nơi đã áp dụng hình thức này cho hay: Việc tuyển sinh đầu vào lớp 6 đã được nhà trường thực hiện đúng theo quy định, chỉ thực hiện việc xét tuyển với các tiêu chí cụ thể, rõ ràng và công khai đến các phụ huynh. Thực tế cho thấy, đến thời điểm hiện tại nhà trường chưa nhận được thắc mắc nào của phụ huynh.

Theo bà Kim Anh, việc xét tuyển có ưu điểm giúp học sinh lớp 5 giảm được áp lực, nhất là việc học thêm và không có cuộc “chạy đua” thi vào lớp 6 như các năm học trước. Đồng thời, xét tuyển có thể đánh giá học sinh một cách toàn diện hơn bởi thay vì dựa vào 1 bài kiểm tra thì nhà trường có thể dựa vào thành tích học tập qua học bạ và thành tích đạt được trong 5 năm học của học sinh.

Tuy nhiên, để công tác xét tuyển đạt hiệu quả, bà Kim Anh cho rằng, rất cần sự công bằng, đánh giá chính xác ở các trường tiểu học để có thước đo đều tay cho học sinh, đảm bảo công bằng trong quá trình xét tuyển.

Lê Tính - Theo báo dân trí